Trang chủ / Tài liệu / Tranh chấp về thừa kế và tuyển tập 20 Bản án liên quan

Tranh chấp về thừa kế và tuyển tập 20 Bản án liên quan


 

Tranh chấp liên quan đến thừa kế là loại tranh chấp cơ bản và phổ biến trên thực tiễn. Trong vụ án thừa kế, những vấn đề chính yếu cần nắm để giải quyết là:

 

1. Xác định tài sản có hay không phải là di sản thừa kế.

Trên thực tế, phổ biến nhất là tranh chấp mà di sản là quyền sử dụng đất. Để xác định quyền sử dụng đất này có phải là di sản của người chết để lại hay không cần xác minh về nguồn gốc đất. Tòa án sẽ xác minh tại UBND địa phương, dựa trên hồ sơ địa chính đăng ký đất đai qua các thời kỳ, đáng chú ý là các đợt đăng ký ruộng đất quy mô toàn quốc theo Chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ và theo Nghị định 64/CP ngày 27/09/1993 của Chính phủ.

 

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp chỉ cần xác minh nguồn gốc đất thì có thể xác định được quyền sử dụng đất này là di sản thừa kế. Cần phải xem xét tính lịch sử của việc sử dụng đất biến động qua từng thời kỳ, cụ thể một số trường hợp điển hình như sau:

  • Cha (hoặc mẹ mất), mẹ (hoặc cha) bán đất là di sản thừa kế để lo cho cuộc sống của gia đình và người mua đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Án lệ số 16/2017/AL. Lúc này, phần đất đã bán không phải là di sản thừa kế.
  • Các đồng thừa kế đã thống nhất phân chia di sản thừa kế và đã thực hiện trên thực tế đã được điều chỉnh trên sổ sách giấy tờ về đất đai nên di sản thừa kế đã chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân theo Án lệ số 24/2018/AL.
  • Đất nguồn gốc của cha, mẹ nhưng con đã đi đăng ký đất đai và quản lý, sử dụng ổn định; cha mẹ biết mà không có ý kiến phản đối. Trường hợp này, tùy tình tiết vụ việc mà có thể xem xét là cha mẹ đã tặng cho con.
  • Các trường hợp nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“……………….”

 

2. Về thời hiệu khởi kiện

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu ngay tình  liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản. Trường hợp di sản không có người quản lý, chiếm hữu sẽ thuộc về Nhà nước.

 

Theo Án lệ số 26/2018/AL thì thời hiệu chia di sản thừa kế đối với các trường hợp mở thừa kế trước ngày 10/09/1990 thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/09/1990.

 

3. Về di chúc và tính hợp pháp của di chúc.

Đối với các vụ án có di chúc thì cần phải xem xét tính hợp pháp và hiệu lực của di chúc. Nếu di chúc hợp pháp và có hiệu lực thì di sản thừa kế sẽ được chia theo di chúc.

 

Di chúc được coi là hợp pháp khi người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật. Ngoài ra về hình thức di chúc phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật.

 

Di chúc có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần nếu người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Cần lưu ý rằng di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực.

 

Đối với các tranh chấp thừa kế có di chúc cần lưu ý các trường hợp thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc bao gồm con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động. Họ được hưởng di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.

 

Ami Law Firm đã có bài đăng liên quan đến di chúc vô hiệu và di chúc có hiệu lực. Mọi người có thể tham khảo thêm tại đây

 

4. Về chia thừa kế theo pháp luật

Di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Không có di chúc;
  • Di chúc không hợp pháp;
  • Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
  • Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
  • Thừa kế đối với phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
  • Thừa kế đối với phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
  • Thừa kế đối với phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

 

Để chia thừa kế theo pháp luật cần nắm các quy định của pháp luật về hàng thừa kế. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Hàng thừa kế được quy định như sau:

  • Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

Đối với thừa kế theo pháp luật có áp dụng quy định về thừa kế thế vị. Theo đó, nếu con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

 

Giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau.

 

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau. Thời gian trước đây, pháp luật về nuôi con nuôi chưa thực sự hoàn thiện nên vẫn còn nhiều trường hợp có nhận con nuôi thực tế nhưng chưa đăng ký. Sau này phát sinh tranh chấp về tính hợp pháp của việc nuôi con nuôi, từ đó ảnh hưởng đến quyền thừa kế của con nuôi cũng như cha, mẹ nuôi.

Về tính hợp pháp của việc nuôi con nuôi qua từng thời kỳ, bạn đọc có thể tham khảo thêm tại bài viết sau:

 

VẤN ĐỀ CON NUÔI THỰC TẾ VÀ THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT “TRANH CHẤP DI SẢN THỪA KẾ” LIÊN QUAN ĐẾN CON NUÔI

 

Ngoài các quy định về chia thừa kế theo pháp luật, cũng cần xem xét công sức của người đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế.

 

Một số Án lệ khác có liên quan đến thừa kế:

  • Án lệ số 06/2016/AL đối với vụ án tranh chấp thừa kế có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài;
  • Án lệ số 05/2016/AL về việc xem xét công sức đóng góp vào việc quản lý, tôn tạo di sản thừa kế khi đương sự không có yêu cầu.

 

Tổng hợp lại, Ami Law Firm tuyển tập 20 Bản án tranh chấp liên quan đến thừa kế để mọi người cùng tham khảo.


TUYỂN TẬP 20 BẢN ÁN TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN THỪA KẾ THAM KHẢO

 

Công nhận con nuôi mặc dù chưa được đăng ký tại UBND xã. Biên bản họp gia đình có được xem xét là di chúc hay không?

 

Đất của cha, mẹ theo hồ sơ 299/TTg. Con đi đăng ký đất đai theo Nghị định 64/CP, cha mẹ biết nhưng không phản đối nên xác định đất đã tặng cho con, không phải là di sản thừa kế.

 

Đất công ích 5% không được xác định là di sản thừa kế. Văn bản họp gia đình giao quyền quản lý, sử dụng không phải căn cứ chứng minh việc chuyển quyền sử dụng đất. Công sức quản lý, tôn tạo được hưởng bằng một suất thừa kế

 

Đất có nguồn gốc của cha mẹ nhưng được quy đổi 3 ao, 1 ruộng theo chính sách đất đai của nhà nước nên không xác định là di sản thừa kế. Cấp sơ thẩm bị hủy án.

 

Giấy chứng nhận ghi đất hộ gia đình nhưng Tòa án xác định là đất thuộc sở hữu chung vợ chồng. Đất cha mẹ chồng cho nên phần giá trị quyền sử dụng đất của chồng là 60% – vợ là 40%.

 

Di chúc lập tại công ty luật có giá trị pháp lý. Xác định phần đất là di sản thừa kế theo tiêu chuẩn đất %

 

Xem xét công sức đóng góp vào khối tài sản chung khi đang xây nhà thì chồng chết

 

Di sản thừa kế là tiền phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Xét quyền thừa kế của con riêng

 

Án sơ thẩm bị hủy vì chưa thu thập đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh nguồn gốc đất

 

Dấu vân tay trong Hợp đồng chuyển nhượng không phải của đương sự nhưng không bị hủy. Đất đã được chuyển nhượng cho người khác nên không còn là di sản thừa kế

 

Đất trước 1975, được nhà nước quản lý sau đó trả lại. Khoảng thời gian trước khi được nhà nước trả lại đất không tính vào thời hiệu khởi kiện. 

 

Cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm, công nhận di chúc chung vợ chồng có hiệu lực, bác yêu cầu khởi kiện chia thừa kế của nguyên đơn.

 

Xác định hiệu lực của “Bản giao quyền sử dụng đất” không có công chứng, chứng thực do gia đình tự lập để định đoạt các tài sản cho con. Áp dụng án lệ số 24

 

Đất nguồn gốc của cha mẹ, con tự ý kê khai theo chỉ thị 299/TTg rồi bán đất cho người khác. Tòa án hủy Hợp đồng chuyển nhượng, hủy Giấy chứng nhận và chia thừa kế theo pháp luật.

 

Các đồng thừa kế thỏa thuận cho một người đứng tên quyền sử dụng đất để tiện làm thủ tục hành chính và vay ngân hàng. Quyền sử dụng đất được chia thừa kế

 

Giấy chứng nhận ghi đất hộ gia đình nhưng nguồn gốc do cha mẹ khai phá từ trước 1975 nên là đất chung vợ chồng. Áp dụng án lệ 05 xem xét công sức

 

Cấp đất trong thời gian chồng đang đi cải tạo tập trung nên cấp sơ thẩm xác định là tài sản riêng. Cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm

 

Đất của cha mẹ nhưng con đã đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Con đã tặng cho người thứ ba ngay tình nên hợp đồng với người thứ ba không vô hiệu. Chia thừa kế bằng giá trị đất

 

Đất do vợ khai phá sau khi chồng mất nên là di sản riêng của vợ khi chia thừa kế

 

Áp dụng án lệ số 24 về di sản thừa kế chuyển thành tài sản thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp của cá nhân

 

Xem thêm tuyển tập các Bản án Tòa án tuyên di chúc không có hiệu lực tại đây

 

Luật sư Phạm Ngọc Hải


Công ty luật Ami

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?