Trang chủ / Tài liệu / Tuyển tập các Bản án Tòa án tuyên di chúc không có hiệu lực

Tuyển tập các Bản án Tòa án tuyên di chúc không có hiệu lực


Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc có thể được lập thành văn bản hoặc dưới hình thức di chúc miệng.

 

Di chúc bằng văn bản bao gồm:

1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực và di chúc bằng văn bản có giá trị tương đương di chúc được công chứng, chứng thực.

 

Di chúc miệng được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

 

Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

b) Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

 

Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực. Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.

 

Ami Law Firm tổng hợp các Bản án Tòa án tuyên di chúc không có hiệu lực để làm tư liệu nghiên cứu, tham khảo.


Di chúc không có hiệu lực do chồng tự ý định đoạt trong di chúc tài sản chung của vợ chồng. Tài sản trên đất do người khác sử dụng, tạo dựng

Sơ lược nội dung: Do bà Nguyễn Thị Thanh M và ông Nguyễn Đình C là vợ chồng nên tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất thuộc sở hữu chung hợp nhất. Bà Nguyễn Thị Thanh M và ông Nguyễn Đình C có quyền, nghĩa vụ ngang nhau đối với việc sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung. Tuy nhiên, trong di chúc ông Nguyễn Đình C lập ngày 07/10/2015 thể hiện nội dung định đoạt toàn bộ khối tài sản chung của bà Nguyễn Thị Thanh M và ông Nguyễn Đình C là vi phạm quy định tại Điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005. Mặt khác, trong mảnh đất có diện tích 22.556 m2 tọa lạc tại ấp 6 xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước thì ông Lê Quang Th, bà Hoàng Thị M, ông Nguyễn Ngọc H, bà Phạm Thị B là người trực tiếp sử dụng đất, tạo dựng tài sản trên đất song nội dung di chúc giao toàn bộ mảnh đất này cho chị Nguyễn Thị Yến L mà không đề cập xử lý tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất là xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của những người này.

Tải về

Bản án số 34/2017/ST-DS


Di chúc phần đất đã tặng cho, chuyển nhượng. Tòa sơ thẩm tuyên có hiệu lực. Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm

Sơ lược nội dung: Ông H đã cung cấp chứng cứ là giấy viết tay ngày 30/7/2005 có nội dung cụ C tặng cho ông H 20 m2 đất trong khu đất của cụ C. Ông H xác định đã làm nhà để ở trước khi cụ C chết, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét chứng cứ này mà vẫn công nhận di chúc của cụ C lập ngày 01/4/2011 là hợp pháp là chưa có căn cứ vững chắc.

Ngoài ra, theo đơn khiếu nại của bà H5 thì cụ C đã chuyển nhượng cho bà H5 30m2 đất trong khu đất của cụ C lập di chúc nêu trên. Tuy nhiên, bà H5 xác định tại Tòa án cấp sơ thẩm bà H5 không cung cấp chứng cứ này, nên Tòa án cấp sơ thẩm không thể, biết để đưa bà H5 vào tham gia tố tụng để giải quyết yêu cầu của bà H5 được. Như vậy, nếu việc chuyển nhượng đất giữa cụ C với bà H5 theo Hợp đồng chuyển nhượng đất ở ngày 20/6/2005 là có thật thì việc cụ C lập di chúc nêu trên đã xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của bà H5, nên cần phải đưa bà H5 vào tham gia tố tụng mới đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng theo quy định của pháp luật.

Tải về

Bản án số 223/2017/DS-PT


Di chúc không có hiệu lực do chồng tự định đoạt đất của hộ gia đình. Án sơ thẩm bị hủy do chưa giải quyết triệt để vụ án

Sơ lược nội dung: Phải xác định được phần tài sản của bà Đ, ông M là bao nhiêu trong khối di sản của bà M để lại? Từ đó mới có căn cứ xác định di sản của bà M để lại là bao nhiêu thì mới giải quyết được toàn diện vụ án. Án sơ thẩm chỉ xem xét hủy di chúc mà không xác định phần còn lại (nay là di sản) của bà M là bao nhiêu và việc tạm giao di sản phải tạm giao cho ông N (vì không ai tranh chấp di chúc). Ngoài ra, cấp sơ thẩm cũng chưa xem xét việc ông N chuyển nhượng thửa đất 728 cho ông T2, bà Đ1; việc ông B đã chuộc lại thửa đất này quản lý, sử dụng đến nay; cũng như chia 2.000m2 đất (một phần thửa 729) cho bà S là chưa giải quyết toàn diện vụ án. Như phân tích nêu trên thì cấp sơ thẩm có nhiều thiếu sót, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được, hủy án sơ thẩm giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.

Tải về

Bản án số 303/2018/DS-PT


Di chúc không có hiệu lực do phần tài sản định đoạt trong di chúc vượt quá phần quyền của người để lại di sản

Sơ lược nội dung: Như vậy, cụ Đ lập di chúc và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, định đoạt toàn bộ tài sản chung của cụ B1 và cụ Đ là không đúng quy định của pháp luật, nên phần tài sản cụ Đ định đoạt vượt quá quyền tài sản của mình sẽ không có giá trị pháp lý. Phần tài sản cụ Đ định đoạt vượt quá quyền tài sản của mình, do anh T1 và ông C nhận và đang quản lý thửa 11, diện tích 282,1m2; Thửa 418, diện tích 277,6m2; Thửa 367, diện tích 1.437,5m2 và ông C thửa 7, diện tích 799,5m2 (ông C đã chuyển nhượng cho bà T2), nên anh T1 và ông C có trách nhiệm trả lại giá trị suất thừa kế phần tài sản của cụ B1 cho bà L1.

Tải về

Bản án số 180/2018/DS-PT


Di chúc không có hiệu lực do đất đang có tranh chấp

Sơ lược nội dung: Như vậy, tại thời điểm cụ L lập di chúc để lại tài sản cho bà N1 thì phần đất đang có tranh chấp với gia đình ông R, hơn nữa cụ L cũng không phải là người trực tiếp quản lý, sử dụng phần đất tranh chấp. Do đó, cụ L chưa có đủ điều kiện để thực hiện quyền của người sử dụng đất, cụ thể là quyền lập di chúc để lại quyền sử dụng đất cho bà N1 theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 106 Luật Đất đai năm 2003. Việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định di chúc của cụ L hợp pháp là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tải về

Bản án số 110/2019DS-PT


03 bản di chúc đều không có hiệu lực do tài sản đang tranh chấp. Chồng tự ý định đoạt tài sản chung vợ chồng. Để lại di chúc lúc tinh thần không minh mẫn, sáng suốt

Sơ lược nội dung: Thứ nhất, tài sản chung ông H, bà D đang tranh chấp, chưa được Tòa án giải quyết, nên không có giá trị. Hơn nữa, ông Tr không thừa nhận chữ ký của bà D, ông Nh không yêu cầu giám định, nên di chúc do bà D để lại không có giá trị thực hiện. Tương tự như vậy, hai tờ di chúc của ông H để lại, một tờ di chúc đánh máy ngày 05/3/2006, một tờ viết tay đề ngày 04/8/2013. Thời điểm này bà D đã chết, do vậy phần tài sản của bà D đã trở thành di sản thừa kế, một mình ông H không có quyền định đoạt toàn bộ tài sản của vợ chồng được. Do vậy, hai bản di chúc của ông H cũng không có giá trị thực hiện.

Tải về

Bản án số 15/2019/DS-PT


Di chúc đối với tài sản chung của Hộ gia đình nên không có hiệu lực một phần. Phần thuộc sở hữu của người để lại di sản vẫn có hiệu lực

Sơ lược nội dung: Di chúc này được lập thành văn bản và được Ủy ban nhân dân thị trấn ML chứng thực vào ngày 25/02/2008 nên hình thức của di chúc à phù hợp quy định của pháp uật. Về nội dung, vì toàn bộ diện tích đất tranh chấp được cấp theo bình quân nhân khẩu cho 08 khẩu, do đó, ông Nguyễn Văn Đ1 không có quyền tự định đoạt đối với toàn bộ diện tích đất tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A319956, mà chỉ được quyền định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung. Do vậy, di chúc của ông Đ1 có hiệu lực một phần.

Tải về

Bản án số 05/2019/DS-PT


Di chúc có nội dung viết tắt, định đoạt tài sản vợ chồng

Sơ lược nội dung: Ông R và bà T, bà M, bà X cho rằng nội dung bản di chúc có đoạn viết tắt “ông Phạm Văn O: XVHTXN2 xã Thụy Hưng” là trái với quy định của pháp luật về nội dung di chúc. Hội đồng xét xử xét thấy, chữ viết tắt này trong bản di chúc đã được lý giải là chữ viết tắt về danh tính của người làm chứng là xã viên hợp tác xã nông nghiệp xã Thụy Hưng, không làm ảnh hưởng đến nội dung chính của di chúc nên di chúc không bị vô hiệu.

Đối với quan điểm của luật sư về nội dung di chúc là trái pháp luật bởi cụ T1 đã định đoạt cả phần tài sản của cụ V, Hội đồng xét xử thấy, tại khoản 4 Điều 643 Bộ luật dân sự quy định: “Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực”. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm cũng chỉ giải quyết phần tài sản của cụ T1 được hưởng để chia theo di chúc và còn phần tài sản của cụ V đã được chia theo pháp luật là đúng.

Tải về

Bản án số 10/2019/DS-PT

 


Chủ đề liên quan:

Thông báo rút kinh nghiệm các vụ án thừa kế

Luật sư Phạm Ngọc Hải tổng hợp


Công ty luật Ami

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online