Tôi có cho ông hàng xóm vay số tiền 50 triệu đồng với mức lãi suất 3% tháng, thời hạn cho vay là 1 năm, đồng thời, tôi có giữ của sổ đỏ của ông để làm tin. Tuy nhiên, đã đến hạn nhưng ông hàng xóm vẫn không trả nợ cho tôi. Cho tôi được hỏi mức lãi suất cho vay của tôi có phạm tội cho vay nặng lãi hay không? Tôi đang rất muốn đòi số tiền này nhưng sợ vi phạm quy định pháp luật về tội cho vay nặng lãi, nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi.
Trả lời:
Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.
Theo đó, mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.
Như vậy, việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thoả mãn các dấu hiệu sau:
– Thứ nhất, lãi suất cho vay cao hơn mức lãi suất mà pháp luật quy định từ 05 lần trở lên. Theo quy định tại khoản 1, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về lãi suất thì lãi suất cho vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Căn cứ vào quy định trên thì lãi suất cao nhất trên tháng là: 5 lần x (20%/12 tháng) = 5 lần x 1,67% = 8,33%. Do đó, chỉ khi mức lãi suất cho vay cao gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất pháp luật quy định thì mới cấu thành tội cho vay nặng lãi (lãi suất vượt 8,33 %/tháng).
– Thứ hai: Thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Do vậy, đối chiếu theo quy định pháp luật nêu trên, bạn cho vay với mức lãi suất 3% một tháng, số tiền lãi sẽ là [(3%/tháng x 50 triệu) x 12 tháng] = 18.000.000 đồng. Xét mức lãi suất và số tiền lãi bạn nhận được chưa đủ yếu tố cấu thành nên tội cho vay nặng lãi theo quy định nêu trên.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, bạn có thể bị sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 11 Nghị định Số: 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình có quy định về vi phạm các quy định về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như sau: “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”.
Theo đó, việc cho vay có cầm cố tài sản vượt mức lãi suất 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay thì sẽ bị xử phạt hình chính với số tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 9%/năm được công bố theo Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010. Ví dụ, tại thời điểm bạn yêu cầu Toà án giải quyết, giả sử mức lãi suất cơ bản Ngân hàng nhà nước là 9%/năm, Mức lãi suất được phép cho vay sẽ là không được vượt quá [(150% x 9%)/12 tháng] = 1,125%/tháng. Do vậy, việc bạn cho vay có cầm cố tài sản với mức lãi suất vượt mức lãi suất 1,125%/tháng có thể sẽ bị xử phạt hành chính số tiền từ 5 triệu đến 15 triệu đồng.
Do vậy, trường hợp này, bạn có thể khởi kiện ra Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bân vay trả tiền lại cho bạn, pháp luật chỉ bảo vệ quyền lợi của bên cho vay trong phạm vi lãi suất mà pháp luật cho phép, phần vượt quá lãi suất sẽ bị vô hiệu.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.
Công ty Luật Ami
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com
Website: amilawfirm.com