Liên quan đến sự cố mạng 3G, 4G Mobifone bị mất kết nối trên diện rộng, luật sư Hải cho rằng, người dùng có thể được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ cước đã thu.
Vào chiều ngày 29/9, một số thuê bao của nhà mạng Mobifone phản ánh gặp phải tình trạng chập chờn về thoại, nhắn tin hay sử dụng các dịch vụ 3G, 4G của nhà mạng này. Những thuê bao Mobifone gặp sự cố “sập mạng” tại khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung.
Trước sự cố, Tổng công ty Viễn thông Mobifone cho biết, một số khách hàng của MobiFone ở một số khu vực đã không thể thực hiện được cuộc gọi, nhắn tin hay sử dụng dữ liệu trong khoảng thời gian từ khoảng 16h30-20h30 ngày 29/9.
Ngay sau khi xảy ra sự cố, Mobifone đã huy động nhân lực kỹ thuật, ứng cứu thông tin, cân chỉnh lưu lượng nhằm đảm bảo thông suốt liên lạc và dịch vụ cho các thuê bao tại khu vực bị ảnh hưởng.
Dưới góc độ pháp lý của vụ việc, trả lời PV Đời Sống & Pháp Luật, luật sư Phạm Ngọc Hải (Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng) cho hay, theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Luật Viễn Thông 2009 thì doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ không đúng thời gian và chất lượng theo hợp đồng đã giao kết với người sử dụng dịch vụ viễn thông thì phải hoàn trả một phần hoặc toàn bộ giá cước đã thu. Cũng theo Khoản 2 và Khoản 3 Điều 33 thì doanh nghiệp viễn thông không phải bồi thường thiệt hại gián tiếp hoặc nguồn lợi không thu được do việc cung cấp dịch vụ viễn thông không bảo đảm thời gian và chất lượng gây ra. Các bên giao kết Hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông có trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất trực tiếp do lỗi của mình gây ra cho phía bên kia.
Như vậy, với sự cố “sập mạng” trên diện rộng thì người dùng có thể được hoàn trả một phần hoặc toàn bộ cước đã thu.
“Đối với việc bồi thường thiệt hại thì cần xác định sự cố xảy ra có phải thuộc trường hợp bất khả kháng hay không? Nếu sự cố xảy ra thuộc trường hợp bất khả kháng thì doanh nghiệp viễn thông không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại”, luật sư Hải chia sẻ.
Luật sư Hải cho rằng, nếu sự cố phát sinh không phải do nguyên nhân bất khả kháng mà do lỗi của phía doanh nghiệp viễn thông thì người dùng có thể được bồi thường thiệt hại. Trong đó, các thiệt hại gián tiếp phát sinh từ sự cố như cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ, các khoản thu nhập dự kiến bị mất, bị giảm sút, các khoản hao tốn về thời gian, công sức và tiền bạc để đi khiếu nại, khiếu kiện… sẽ không thuộc trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp viễn thông. Mặt khác, đối với các thiệt hại trực tiếp, nếu người dùng chứng minh được có thiệt hại xảy ra và thiệt hại này phát sinh trực tiếp do lỗi của doanh nghiệp viễn thông thì người dùng có thể được bồi thường theo Hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông đã ký kết giữa các bên.
Đồng quan điểm, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc công ty TNHH Luật Nghiêm Quang, đoàn luật sư TP.Hà Nội cho hay, sau sự cố này, có thể nhà mạng Mobifone sẽ tiến hành đánh giá và đưa ra những hình thức đền bù. Tuy nhiên, việc đền bù chỉ mang tính hỗ trợ, chứ không phải quyết được tất cả thiệt hại đã xảy ra, không bù đắp được hết tổn thất về lợi nhuận.
Theo luật sư Nghiêm Quang Vinh, người dùng có thể căn cứ vào Luật bảo vệ người tiêu dùng để khởi kiện Mobifone. Tuy nhiên, điều kiện để người dùng khởi kiện Mobifone là phải chứng minh được thiệt hại mà nhà mạng này đã gây ra trong thời gian “sập mạng”.
“Nhưng làm thế nào để chứng minh thiệt hại của mình quy ra tiền không phải chuyện dễ”, luật sư Vinh nhận định.
Vị luật sư cũng nói thêm: “Cần sớm có quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể với các nhà cung cấp dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng cũng như đảm bảo sự công bằng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet trong nước”.
Hoàng Yên