Liên quan đến vụ mẹ kế nghi sát hại con chồng ở Tuyên Quang, luật sư cho rằng, nếu đối tượng có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì mức hình phạt cao nhất sẽ phải đối mặt đến tù Chung thân.
Vụ việc bé Bàn Văn T. (6 tuổi, trú xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) nghi bị mẹ kế là bà La Thị Thức (30 tuổi, trú tại thôn Khuôn Nhào, xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) sát hại, giấu xác ở vườn mía đang khiến dư luận xôn xao.
Trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, luật sư Phạm Ngọc Hải (Công ty Luật AMI) cho biết, cần làm rõ những tình tiết khách quan trong vụ án để xác định bà Thức có sát hại cháu T. hay không? Nếu bà Thức là thủ phạm thì nguyên nhân dẫn đến giết người là gì? và cấu thành lỗi cố ý hay vô ý?
Theo luật sư Hải, nếu đủ cơ sở xác định bà Thức cố ý giết cháu T. thì bà Thức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Về khung hình phạt, do nạn nhân là cháu Th. mới 06 tuổi nên bà Thức có thể bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng theo Điểm b Khoản 1 Điều 123: “ Giết người dưới 16 tuổi;”
Với cấu thành tội phạm tội giết người và tình tiết định khung theo Khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự, bà Thức có thể đối mặt với án phạt tù từ 12 – 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Việc xác định yếu tố lỗi của bà Thức là cố ý hay vô ý giết người là rất quan trọng, bởi lẽ nếu bà Thức chỉ vô ý giết cháu Th. thì bà Thức không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” nêu trên mà sẽ bị truy cứu về tội “Vô ý làm chết người” theo Khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, xét hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành tội Giết người. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm b, n khoản 1 Điều 123 BLHS.
Tuy nhiên, luật sư Thơm cho rằng, theo thông tin ban đầu, đối tượng vừa sinh con được 01 tháng tuổi nên cần xem xét đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội có bị ảnh hưởng bệnh trầm cảm sau sinh hay không để xác định năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Nếu có căn cứ đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc trầm cảm sau sinh thì cần thiết trưng cần giám định năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Nếu kết quả giám định của Cơ quan chuyên môn kết luận đối tượng bị bệnh tâm thần hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt khi xét xử.
“Mặt khác, theo Điều 40 BLHS quy định hình phạt Tử hình “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi”.
Như vậy, nếu đối tượng có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự thì mức hình phạt cao nhất sẽ phải đối mặt đến tù Chung thân”., luật sư Thơm cho hay.
Theo tin tức ban đầu, vào ngày 23/11, anh Bào Văn Bao (trú xã Hồng Quang, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) không thấy con trai là cháu T. (6 tuổi) đâu nên nhờ người thân và hàng xóm tìm giúp.
Sau khi không tìm thấy cháu T., anh Bao đã nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ. Công an huyện Lâm Bình vào cuộc điều tra, lấy lời khai anh Bao và vợ là La Thị Thức (30 tuổi).
Qua đấu tranh, Thức đã khai nhận hành vi sát hại cháu T., rồi giấu xác ở vườn mía sau nhà.
Được biết, sau khi ly hôn với vợ cũ, anh Bao ở một mình nuôi cháu T. Mới đây, anh Bao nảy sinh tình cảm với Thức và 2 người đến với nhau. Thức mới sinh con hơn 1 tháng và vừa từ quê ngoại lên ở với chồng được 2 hôm thì xảy ra sự việc.
Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Giết 02 người trở lên; b) Giết người dưới 16 tuổi; c) Giết phụ nữ mà biết là có thai; d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác; h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ; k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp; l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người; m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ; o) Có tổ chức; p) Tái phạm nguy hiểm; q) Vì động cơ đê hèn. 2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. 3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm. |
Hoàng Yên