Liên quan đến vụ bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga suốt 3 ngày ở Hà Nội, Luật sư Hải cho rằng, hành vi của người mẹ có thể bị xử phạt hành chính, nhưng chưa có căn cứ xử lý hình sự.
Một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga suốt 3 ngày giữa trời nắng nóng 40 độ C ở xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đang khiến dư luận xôn xao.
Người mẹ bỏ rơi con dưới hố ga bỏ hoang được xác định là chị P.T.T (SN 1989, trú Hà Nam).
Tại cơ quan Công an, P.T.T khai nhận vì hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, không thể tự nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên ngay sau khi sinh, T. đã vứt bỏ đứa con của mình. Cụ thể, ngày 6/6, T. đón xe bus lên thị xã Sơn Tây chơi. Đến khoảng 23h ngày 6/6, thấy vỡ nước ối và có dấu hiệu trở dạ, T. đi một mình đến ruộng rau cạnh đền Mẫu trong thôn Thanh Tiến, xã Thanh Mỹ tự sinh cháu bé. Sau đó T .đã bế con trèo vào phía sau đền Mẫu vứt dưới hố ga.
Người mẹ khai do hoàn cảnh khó khăn, không thể nuôi con nên đã nhẫn tâm vứt con sơ sinh.
Ảnh: Thanh Niên
Liên quan đến vấn đề pháp lý của vụ án, trả lời PV, Luật sư Phạm Ngọc Hải (Công ty luật AMI) cho hay, đối với quy định về xử lý vi phạm hành chính, người mẹ vứt bỏ con mới sinh có thể bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng về hành vi: “Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh”.
Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Khoản 2 Điều 124 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội: “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” thì “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này thì phải thỏa mãn những yếu tố như: Chủ thể của hành vi phạm tội phải là người mẹ ruột của đứa trẻ; Đứa trẻ bị vứt bỏ phải được đẻ ra trong vòng 07 ngày tuổi; Nguyên nhân của việc vứt bỏ con mới đẻ phải là do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt. Ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu được hiểu là do tin vào bói toán, thần thánh cho là “phải giết con thì mới không bị con ma quấy phá”, sợ dư luận, sợ chồng, người yêu ruồng bỏ, do quan hệ ngoại tình hoặc đứa trẻ sinh ra bị dị tật… Hoàn cảnh khách quan đặc biệt được hiểu là người phụ nữ đẻ con ra trong tình trạng một thân một mình, không đủ tiền để nuôi sống chính mình, đang bị bệnh tật… Hậu quả xảy ra là đứa trẻ chết. Nếu người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện kịp thời nên đứa trẻ không chết thì người mẹ không phạm tội này.
Theo Luật sư Hải do đứa trẻ đã được người khác phát hiện và cứu sống kịp thời, mặt khác, hậu quả đứa trẻ chết là bắt buộc trong cấu thành tội phạm nên người mẹ sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan đến tội danh “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” nêu trên.
“Tuy nhiên, đối với lý do mà người mẹ đưa ra thì cơ quan Điều tra cần xem xét và làm rõ, nếu người mẹ vứt bỏ con trong khi không phải do chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu cũng như không phải ở trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt thì sẽ không thuộc mặt khách quan của tội: “Giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” nêu trên. Lúc này, có thể xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mẹ về tội: “Giết người”, bởi lẽ, khi vứt bỏ đứa trẻ trong điều kiện thời tiết nắng nóng 40 độ, dưới hố ga thì hậu quả đứa trẻ bị chết là có thể xảy ra, người mẹ phải biết và lường trước được điều này. Hậu quả chết người không xảy ra là do đứa trẻ được người khác phát hiện và cứu giúp kịp thời”, luật sư Hải phân tích.
Luật sư Hải cho rằng, về tội danh “Giết người” theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 thì với tình tiết định khung: “Giết người dưới 16 tuổi”, mức phạt tù có thể được áp dụng từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, trong trường hợp này hậu quả chết người là chưa xảy ra nên thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Ngay từ khi được sinh ra, trẻ em đã phát sinh các quyền nhân thân của con người nói chung và quyền của trẻ em nói riêng. Mặc dù có quan hệ ruột thịt và là người sinh ra đứa bé nhưng người mẹ hoàn toàn không có quyền được định đoạt hoặc có hành vi xâm phạm đến tính mạng của con. Hành vi trên của người mẹ là vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật và các quy chuẩn đạo đức chung của xã hội. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để điều tra, xác minh, xử lý thích đáng theo quy định pháp luật để răn đe và phòng ngừa chung, góp phần vào công cuộc phòng, chống vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Hoàng Yên
Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-be-trai-so-sinh-bi-bo-roi-duoi-ho-ga-o-ha-noi-nguoi-me-bi-xu-phat-hanh-chinh-hay-hinh-su-a326661.html
Địa chỉ: 50 Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com