Vụ bé 5 tuổi tử vong trên ô tô: Báo động công tác đưa đón, bàn giao, quản lý trẻ
Một em bé đã phải dừng cuộc rong chơi nơi trần thế ở tuổi lên 5 đầy hồn nhiên, ngây thơ chỉ vì sự tắc trách của người lớn. Có nỗi đau nào quặn xé hơn mất con…
Nỗi đau mất cháu của bà ngoại.
Vụ việc thương tâm xảy ra tại Trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 (có địa chỉ tại xã Phú Xuân, TP.Thái Bình), đang là tâm điểm của dư luận. Cảm xúc đau xót dâng trào trong mỗi người khi đọc thông tin, có cả sự oán trách, giận dữ, phẫn nộ…
Giá như cô giáo đón trẻ kiểm tra lại quân số trước khi xuống xe, vào trường, giá như người tài xế nhìn lại xe một vòng trước khi đóng cửa, giá như cô giáo chủ nhiệm gọi điện cho gia đình hỏi vì sao con không đi tổng kết năm học, thì bé T.G.H. (SN 20/9/2019) chắc có lẽ đã không ra đi tức tưởi đến thế.
Cuộc đời con đã mãi mãi dừng lại ở tuổi lên 5, đau đớn và xót xa sẽ không bao giờ nguôi trong lòng người ở lại, nhất là người cha người mẹ dứt ruột sinh ra con, người bà sáng còn thấy cháu mình vui vẻ tung tăng ngồi sau hàng ghế lái…
Em H. được phát hiện khi đã tử vong sau nhiều giờ bị bỏ quên trên xe, trong thời tiết nắng nóng của ngày 29/5 – khi mà chỉ ngồi trong nhà thôi, đến người lớn cũng cảm thấy mệt mỏi, ngột ngạt.
Đáng nói, trước đây, cũng có vụ việc tương tự như vậy đã xảy ra, gây hậu quả hết sức đau lòng – là em học sinh 6 tuổi trường Gateway tử vong trên xe đưa đón gần 5 năm trước.
Vụ việc lần này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, đưa đón trẻ tại các trường mầm non, mẫu giáo.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình: Trường Mầm non Hồng Nhung 2 là loại hình tư thục, tnăm 2022 được UBND Thành phố quyết định thành lập, phòng GDĐT Thành phố cấp phép hoạt động; Quy mô đào tạo: tổng số lớp, nhóm trẻ: 12 lớp, nhóm với 272 trẻ. Giáo viên phụ trách lớp có học sinh tử vong: cô Đoàn Thị Nhâm, sinh năm 1998, trình độ đào tạo cao đẳng sư phạm mầm non; Cô Nguyễn Thị Phương, sinh năm 1966, trình độ đào tạo Đại học sư phạm Mầm non. Nhân viên đưa đón học sinh: cô Phương Quỳnh Anh, trình độ đào tạo Trung cấp Dược. Lái xe đưa đón học sinh: ông Nguyễn Văn Lâm (tham gia lái xe đưa đón học sinh từ ngày 22/5/2024, lý do: người lái xe chính xin nghỉ phép 1 tuần và bàn giao lại cho lái xe mới). Phương tiện đưa đón là xe ô tô 29 chỗ (do nhà trường ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ). T.G.H., sinh ngày 20/9/2019; Nguyên quán: xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Hoàn cảnh gia đình: Bố mẹ đi làm xa nhà nên em T.G.H. ở với bà ngoại. Bà ngoại cư trú tại Khu đô thị 4, 5 xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình..
Ở góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Công Tín, đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng nêu quan điểm: “Để xảy ra hậu quả thương tâm như trên là do sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm ở 02 khâu. Khâu thứ nhất là tài xế đưa đón, giáo viên đi cùng trên xe, những người này đã thiếu trách nhiệm khi không kiểm tra trước khi khóa cửa, xuống xe, dẫn đến bỏ sót học sinh trên xe.
Khâu thứ hai là khâu bàn giao, quản lý trẻ, khi thấy vắng cháu T.G.H, nhà trường và giáo viên quản lý trẻ đã không kịp thời thông tin đến gia đình hay tổ chức tìm kiếm. Giá như người lái xe, giáo viên, nhà trường có trách nhiệm hơn, có những phản ứng chủ động, kịp thời hơn khi thấy vắng cháu T.G.H thì có lẽ hậu quả đáng tiếc đã không xảy ra”.
Cũng theo luật sư Tín, pháp luật hiện hành có đủ chế tài để xử lý nghiêm khắc những người tắc trách, cẩu thả nêu trên. Vụ việc cũng đã được cơ quan chức năng khởi tố về tội Vô ý làm chết người để tiếp tục điều tra, xử lý. Thế nhưng, nỗi đau mất con của gia đình khó có thể được nguôi ngoa, bởi cái chết của trẻ quá oan ức và thương tâm.
“Sau sự việc này, có lẽ trong công tác quản lý giáo dục, hoạt động của các trường mầm non, mẫu giáo cần phải nghiêm túc được xem xét lại để hạn chế các vụ việc thương tâm tương tự.
Đối với các trường mầm non, mẫu giáo, trong quy chế quản lý và hoạt động, cần nêu rõ quy trình, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân khi tham gia công tác đưa đón, bàn giao, quản lý trẻ; cần hướng dẫn cách xử sự quyết liệt cho giáo viên, có quy chế rõ ràng bảo đảm sự phối hợp mãnh mẽ giữa giáo viên – nhà trường – phụ huynh khi thấy có sự bất thường hoặc khi thiếu vắng trẻ.
Đối với cơ quan quản lý giáo dục, khi kiểm duyệt và cấp phép hoạt động cho nhà trường, cần yêu cầu nhà trường làm rõ quy trình, trách nhiệm trong việc đưa đón, bàn giao trẻ như là một phần không thể thiếu của đề án thành lập trường hoặc điều kiện để cấp phép hoạt động. Đối với giáo viên phụ trách đưa đón và quản lý trẻ, nhà trường luôn phải thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ để bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Vụ việc xảy ra quá thương tâm, là hồi chuông cảnh báo về công tác đưa đón, bàn giao, quản lý trẻ của các trường mầm non, mẫu giáo. Mong rằng, các trường mầm non, mẫu giáo sau sự việc này nghiêm túc rút kinh nghiệm, có những giải pháp bảo đảm công tác đưa đón, quản lý trẻ an toàn, khoa học để những vụ việc tương tự sẽ không bao giờ xảy ra”, luật sư Tín đưa ý kiến cá nhân.
Nguồn: Báo Người Đưa Tin