Trang chủ / Đất đai / Việc thôi quốc tịch Việt Nam có ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất?

Việc thôi quốc tịch Việt Nam có ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất?

Chị gái tôi trước khi sang Mỹ định cư có sở hữu thửa đất và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, chị tôi đã nhập Quốc tịch Mỹ, không rõ có còn quốc tịch Việt Nam hay không. Chị tôi hiện đang muốn tặng cho lại quyền sử dụng đất này lại cho tôi nhưng không biết đã bị mất quyền đối với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho chị ấy hay chưa? Nhờ Luật sư tư vấn. 

 

Trả lời:

Lời đầu tiên, Công ty luật AMI xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

 

Theo như nguyên tắc quốc tịch tại Điều 4 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”. 

 

Như vậy, trong một số trường hợp ngoại lệ thì công dân Việt Nam vẫn có thể có thêm một quốc tịch khác. Đồng thời, pháp luật hiện nay cũng không có quy định về việc công dân Việt Nam có quốc tịch nước khác bắt buộc phải xin thôi quốc tịch Việt Nam.

 

Tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam số 56/2014/QH13 có hiệu lực thi hành ngày 26/6/2014 quy định:

Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 13. Người có quốc tịch Việt Nam

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để được xác định có quốc tịch Việt Nam và cấp Hộ chiếu Việt Nam”.

 

Nếu như theo quy định trước đây, trường hợp công dân Việt Nam không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật Quốc tịch năm 2008 có hiệu lực thì sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam.

 

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, người Việt Nam định cư ở nước ngoài không mặc nhiên mất quốc tịch Việt Nam nếu không đăng ký giữ quốc tịch. Người đã làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch sẽ được xác định có quốc tịch Việt Nam và được cấp hộ chiếu nếu có nguyện vọng và đáp ứng đủ điều kiện.

 

Do vậy, thời điểm cách đây 8 năm, chị gái của bạn sang nước ngoài định cư, nếu như chị gái của bạn không làm thủ tục đăng ký giữ quốc tịch thì sẽ bị mất quốc tịch Việt Nam. Lúc này chị gái của bạn thuộc trường hợp người đã từng có quốc tịch Việt Nam nay đã nhập quốc tịch nước ngoài được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

 

Đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi sở hữu tài sản là quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở tại Việt Nam sẽ có một số hạn chế. Cụ thể:

 

Về quyền sở hữu đất ở, tại Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

            ……

  1. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế”.

 

Về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 và được cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà ở đối với nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp của mình.

 

Như vậy, quy định hiện nay chưa cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đứng tên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ được nhận chuyển quyền sử dụng đất (nhận thừa kế) và được công nhận quyền sở hữu nhà ở nếu đáp ứng các điều kiện tại Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014.

 

Tuy nhiên hiện nay pháp luật đất đai và các văn bản pháp luật có liên quan cũng không có quy định về việc tước quyền sở hữu đối với tài sản là quyền sử dụng đất mà chị bạn đã sở hữu trước khi sang nước ngoài định cư và thôi quốc tịch Việt Nam nên chị gái của bạn vẫn có quyền của người sử dụng đất đối với thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận trước khi thôi quốc tịch Việt Nam và có thể thực hiện việc tặng cho thửa đất này cho bạn theo quy định pháp luật.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Công ty luật AMI

Địa chỉ: 50 Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?