Bộ luật Hình sự 2015 có quy định khái niệm: “hành vi quan hệ tình dục khác” cũng là hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm hoặc thực hiện “hành vi quan hệ tình dục khác” đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Còn hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi thì điều văn của điều luật chỉ quy định “người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác”, mà không mô tả thế nào là hành vi dâm ô. Cũng chính vì vậy mà trong thời gian qua có một số vụ “sàm sỡ” với các em dưới 16 tuổi, dư luận bức xúc nhưng Cơ quan điều tra thì lại rất lúng túng, vì điều luật quy định không rõ, lại chưa có hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương.
Đây là khái niệm không mới nhưng khi Bộ luật Hình sự đã quy định thành hành vi khách quan của tội phạm thì việc hiểu và áp dụng thống nhất là một việc vô cùng quan trọng.
Nếu trước đây, đối với các tội xâm phạm nhân phẩm của con người thì hành vi “giao cấu” đã được định nghĩa là:“Giao tiếp bộ phận sinh dục ngoài của giống đực với bộ phân sinh dục của giống cái, ở động vật” và được hướng dẫn Bản tổng kết số 329-HS2 ngày 11/5/1967 của Tòa án nhân dân tối cao về đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về tình dục và Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT- TANDTC-VKSNDTC- BVN ngày 2/1/1998 của Toà án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an ) hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, sau khi Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 chưa có Cơ quan nào hướng dẫn “thế nào là hành vi quan hệ tình dục khác”. Vì vậy, việc nhận thức trong các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng mỗi nơi một khác. Điển hình là vụ Nguyễn Trọng Trình xâm phạm cháu V.N.Q ở Chương Mỹ, Hà Nội, Cơ quan điều tra chỉ khởi tố về tội “dâm ô người dưới 16 tuổi” và cho Nguyễn Trọng Trình được tại ngoại đã gây xôn xao dư luận. Chỉ sau khi dư luận, báo chí lên tiếng, thì Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội mới rút hồ sơ lên để xem xét và ra lệnh bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Trọng Trình.
Việc bổ sung “hành vi quan hệ tình dục khác” vào các tội hiếp dâm, cưỡng dâm, được giải thích là do yêu cầu đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm này trong tình hình hiện nay. Do đó, việc cần làm rõ khái niệm thế nào là “quan hệ tình dục khác” không chỉ có ý nghĩa về lý luận mà còn ý nghĩa về thực tiễn.
Trước hết cần khẳng định rằng, hành vi “quan hệ tình dục khác” không phải là hành vi giao cấu, vì chỉ coi là giao cấu “là việc giao tiếp bộ phận sinh dục ngoài của giống đực với bộ phận sinh dục của giống cái, ở động vật” , còn tại Bản tổng kết năm 1967 của Tòa án nhân dân tối cao về tình trạng tội phạm hiếp dâm thì “giao cấu là hành động chỉ cần có sự cọ sát trực tiếp dương vật vào bộ phận sinh dục của người phụ nữ (bộ phận từ môi lớn trở vào) với ý thức ấn vào trong không kể sự xâm nhập của dương vật là sâu hay cạn, không kể có xuất tinh hay không là tội Hiếp dâm được coi là hoàn thành, vì khi đó nhân phẩm danh dự của người phụ nữ đã bị chà đạp”.
Tuy nhiên, khi nhà làm luật đưa hành vi “quan hệ tình dục khác” mà trước đây chỉ coi là dâm ô thành hành vi phạm tội hiếp dâm, cưỡng dâm… thì không thể không phân biệt với hành vi dâm ô được quy định tại Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015.
Như vậy, nếu không có sự “giao tiếp” (cọ sát) giữa dương vật với bộ phận sinh dục của người phụ nữ như: quan hệ bằng miệng, bằng hậu môn hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của nạn nhân thì không phải là giao cấu, mà là hành vi “quan hệ tình dục khác”. Có lẽ cũng chỉ nên giới hạn hành vi “quan hệ tình dục khác” là hành vi quan hệ bằng miệng, bằng hậu môn, còn dùng dương vật “cọ sát” lên các bộ phận khác không nên coi đó là hành vi “quan hệ tình dục khác”, mà chỉ nên coi đó là hành vi dâm ô.
Còn hành vi dâm ô là hành vi dùng mọi thủ đoạn nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân như: sờ đùi, sờ mông, sờ ngực, sờ bộ phận sinh dục mà không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện hành vi quan hệ tình dục qua đường hậu môn, qua đường miệng.
Việc xác định khái niệm “hành vi quan hệ tình dục khác” như nêu trên để phân biệt với hành vi dâm ô là có thể chấp nhận được, không nên mở rộng hơn nhưng nữa. Do đó, phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và nhất thiết phải xác định được mục đích là thỏa mãn dục vọng. Chỉ khi nào xác định được ý thức chủ quan của người có hành vi dâm ô thì mới xác định chính xác đó là hành vi quan hệ tình dục khác hay chỉ là hành vi dâm ô.
Còn hành vi dâm ô có thể được xác định đó là những hành vi không phải là hành vi quan hệ tình dục khác nhằm thoả mãn khoái lạc tình dục. Chúng ta có thể liệt kê được một số trường hợp như: dùng tay sờ mó hoặc kích thích bộ phận sinh dục, dùng dương vật cọ sát vào những chỗ khác trong thân thể người phụ nữ ngoài bộ phận sinh dục hoặc chỉ quệt bên ngoài bộ phận sinh dục không có ý định ấn vào trong , có khi chỉ ấn dương vật vào mông, vào ngực thậm chí là vào đùi để cho xuất tinh; bắt nạn nhân sờ mó bộ phận sinh dục của mình cho đến khi xuất tinh. v.v…
Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán đã đưa ra một bản dự thảo hướng dẫn các tội “xâm phạm tình dục, trong đó có tội dâm ô, đồng thời tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của các ngành, các chuyên gia về dự thảo Nghị quyết này. Có nhiều ý kiến khác nhau về hành vi quan hệ tình dục khác và hành vi dâm ô. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn hành vi sờ vào đầu cũng coi là vùng nhạy cảm là không phù hợp với cuộc sống. Có lẽ ta cũng nên tham khảo quy định của các nước về hành vi dâm ô, trong đó có Mỹ để khi Hội đồng Thẩm phán ban hành một Nghị quyết vừa đáp ứng yêu cầu của tình hình xâm phạm tình dục đối với người dưới 16 tuổi hiện nay, không vì áp lực của dư luận mà hướng dẫn không sát với cuộc sống.
Một vấn đề đặt ra, đó là chủ thể của hành vi dâm ô có bao gồm phụ nữ không? Từ trước đến nay khi nói đến dâm ô là mọi người chỉ nghĩ đến hành vi của nam đối với nữ, chứ không ai nghĩ nữ đối với nam. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay nhất là văn hoá phương Tây du nhập vào nước ta, đồng thời trên mạng xã hội có không ít trường hợp phụ nữ mới chính là thủ phạm của hành vi dâm ô đối với các em dưới 16 tuổi. Có nhiều phụ nữ để thoả mãn dục vọng đã dụ dỗ, mua chuộc các em nam dưới 16 tuổi để làm tình với mình nhằm thoả mãn dục vọng nhưng, có trường hợp giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác, nhưng cũng không ít trường hợp không có ý định giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác với các em trai này. Trong khi đó điều văn của điều luật chỉ quy định “người nào đủ 18 tuổi trở lên…” chứ không quy định “người nào có giới tính nam đủ 18 tuổi trở lên…” hay “người đàn ông nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dam ô với người phụ nữ dưới 16 tuổi”. Đây là vấn đề cần đặt ra khi xác định chủ thể của tội dâm ô với người dưới 16 tuổi trong tình hình hiện nay.
Như vậy, khái niệm về hành vi dâm ô được hướng dẫn trong Bản tổng kết số 329-HS2 ngày 11/5/1967 của Tòa án nhân dân tối cao và Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT- TANDTC-VKSNDTC- BVN ngày 2/1/1998 của Toà án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Nội vụ không còn phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự 2015 nữa, nên cần phải hướng dẫn lại. Mặc dù, theo quy định khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội thì Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn. Tuy nhiên, để việc nhận thức và áp dụng thống nhất trong các cơ quan tiến hành tố tụng thì Toà án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ Công an – Bộ Tư pháp nên ban hành một Thông tư liên tịch hướng dẫn “thế nào là hành vi quan hệ tình dục khác” và hành vi dâm ô quy định tại các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 Bộ luật Hình sự 2015
ĐINH VĂN QUẾ ( Nguyên Chánh tòa Hình sự TANDTC )
Công ty luật Ami
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com
Website: amilawfirm.com