Trang chủ / Doanh nghiệp / Hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không?

Hợp đồng khoán việc có phải đóng bảo hiểm xã hội hay không?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì từ ngày 1/1/2018, người lao động có hợp đồng lao động từ 1 – 3 tháng trở lên phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Cũng vì thế mà thời gian gần đây ở một số doanh nghiệp xuất hiện những hợp đồng khoán việc với người lao động, nhằm tránh quy định phải đóng bảo hiểm xã hội cho lao động có hợp đồng từ 1 – 3 tháng.

 

Theo quy định của pháp luật lao động và các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan thì trong quan hệ lao động không có quy định loại hợp đồng khoán việc. Hợp đồng khoán việc thường được sử dụng trong các lĩnh vực xây dựng – thi công, gia công may mặc…và mặc dù không được quy định trong các văn bản pháp luật về lao động nhưng trên thực tế hợp đồng khoán việc vẫn đang được sử dụng rất phổ biến.

Với hình thức khoán công việc, bên nhận khoán việc tự lo các chi phí như chi phí vật liệu, công cụ lao động liên quan để hoàn thành một công việc nhất định theo yêu cầu của bên giao khoán và sau khi hoàn thành phải bàn giao cho bên giao khoán kết quả của công việc đó. Bên giao khoán nhận kết quả công việc và có trách nhiệm trả cho bên nhận khoán tiền thù lao đã thoả thuận.

 

Hợp đồng khoán việc chỉ được áp dụng đối với những công việc mang tính thời vụ, diễn ra trong một thời điểm nhất định, không mang tính chất ổn định và lâu dài. Bên khoán việc không quan tâm đến việc người nhận khoán việc thực hiện công việc đó như thế nào. Còn bên nhận khoán việc có thể có sự linh động về mặt thời gian và địa điểm làm việc.

 

Đối với những công việc mang tính chất ổn định lâu dài thì người sử dụng lao động không được phép ký hợp đồng khoán việc mà phải ký hợp đồng lao động tại Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định 03 loại hợp đồng lao động như sau: (1) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; (2) Hợp đồng lao động xác định thời hạn; (3) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

 

Hợp đồng khoán việc có thể được xem là một dạng của hợp đồng dịch vụ theo quy định Điều 513 Bộ luật dân sự năm 2015, cụ thể: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”. Cũng theo quy định tại Điều 514 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về đối tượng của hợp đồng dịch vụ: “Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”. Như vậy, hợp đồng khoán việc được xem là một dạng của hợp đồng dịch vụ vì đối tượng hợp đồng trong khoán việc cũng giống như trong dịch vụ đều là công việc có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và không bắt buộc đáp ứng điều kiện làm việc.

 

Như phân tích nêu trên, hợp đồng khoán việc không phải là hợp đồng lao động, do đó người làm việc theo hợp đồng giao khoán công việc không phải là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Hợp đồng giao khoán công việc không chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động năm 2012 và các quy định pháp luật khác liên quan đến hợp đồng lao động. Những người làm việc theo loại hợp đồng khoán việc sẽ không là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 2 luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Đồng nghĩa với việc trong trường hợp giao kết hợp đồng giao khoán công việc thì các bên không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định. Trường hợp người lao động muốn tham gia bảo hiểm xã hội thì người nhận khoán việc hoặc người khoán việc chỉ có thể tham gia theo dạng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

 

Trên thực tế, có một số ít doanh nghiệp giao kết hợp đồng khoán việc thay vì giao kết hợp đồng lao động nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động. Tuy nhiên, việc giao kết hợp đồng khoán việc có thực sự phù hợp với quan hệ lao động giữa hai bên hay không còn phù thuộc vào bản chất công việc, tính chất quản lý giữa doanh nghiệp với người lao động. Việc xác định loại hợp đồng không phải căn cứ vào tiêu đề của hợp đồng mà phải căn cứ vào tính chất, đặc điểm của từng loại hợp đồng đó. Như vậy, hợp đồng khoán việc nếu mang nội dung, tính chất như hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 23 Bộ luật Lao động năm 2012 thì vẫn được xác định là hợp đồng lao động.

 

Trường hợp người sử dụng lao động và người lao động giao kết sai loại hợp đồng thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP với mức xử phạt từ 500 nghìn đồng đến 20 triệu đồng tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm.

 

Công ty Luật Ami

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?