ĐÀ NẴNG: TÍN DUNG ĐEN “MÒ” TỚI TRƯỜNG HỌC
Trao đổi với Đài Truyền hình Quốc Hội liên quan đến việc thu hồi nợ trái quy định pháp luật.
——————————
Theo quy định tại Thông tư 18/2019/NHNN có quy định về việc đôn đốc, thu hồi nợ phải phù hợp với quy định pháp luật và không được dùng biện pháp đe dọa khách hàng. Số lần nhắc nợ không quá 05 lần trong 01 ngày, không nhắc nợ ngoài khung giờ từ 7 – 21 giờ. Đối với những người liên quan của khách hàng nhưng không có nghĩa vụ trả nợ thì Công ty tài chính cũng không được nhắc nợ, đòi nợ hoặc gửi thông tin về việc thu hồi nợ. Như vậy, việc đòi nợ, nhắc nợ đối với người thân của khách hàng khi họ không có nghĩa vụ trả nợ là trái quy định pháp luật.
Đối với những đối tượng đòi nợ bằng hình thức đe dọa, xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của khách hàng hoặc người thân khách hàng thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 đến 20 triệu đồng về hành vi: “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;”.
Trong các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì đối tượng đòi nợ trái quy định còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” hoặc tội “Làm nhục người khác”.
Các tổ chức tín dụng hiện nay đều có quy chế riêng cho các nhân viên thu hồi nợ, và thông thường, nhưng hành vi nhắc nợ trái quy định pháp luật sẽ thuộc trường hợp bị cấm theo quy chế. Hơn nữa, các tổ chức tín dụng biết rất rõ hồ sơ của khách hàng đang do nhân sự nào thực hiện xử lý. Do đó, khách hàng có thể khiếu nại đến chính các tổ chức tín dụng để được hỗ trợ giải quyết.
Các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ trái pháp luật thường khó xử lý, bởi lẽ, các đối tượng thường sử dụng tài khoản mạng xã hội ảo, sim rác để thực hiện hành vi vi phạm nên không thể truy đích danh người thực hiện hành vi vi phạm. Do vậy, khách hàng khi gặp trường hợp thu hồi nợ trái pháp luật cần chủ động thu thập các chứng cứ để chứng minh hành vi vi phạm của nhân viên đó bằng việc ghi âm, lưu giữ lại các đoạn tin nhắn, lưu giữ các nội dung đăng tải mang tính xúc phạm, nhờ sự giúp đỡ, can thiệp của Tổ chức tín dụng… Từ đó, việc trình báo của khách hàng đến cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ có căn cứ hơn và đủ cơ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Chi tiết tại: https://www.quochoitv.vn/da-nang-tin-dung-den-mo-toi…
——————————
CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN AMI (AMI LAW FIRM)
– Địa chỉ: 28 Trần Quý Cáp, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
– Điện thoại: 0941.767.076
– Email: amilawfirmdn@gmail.com
– Website: https://amilawfirm.com/
– Fanpage: https://www.facebook.com/AMILawFirm