Trang chủ / Doanh nghiệp / Có thể đòi nợ Công ty đã bị giải thể hay không?

Có thể đòi nợ Công ty đã bị giải thể hay không?

Trước đây, Công ty tôi có làm ăn kinh doanh với Công ty TNHH A, sau khi đối chiếu công nợ từ năm 2017 đến nay thì Công ty A còn nợ Công ty tôi số tiền hơn 100 triệu. Mặc dù Công ty tôi rất nhiều lần gửi Công văn đề nghị thanh toán nhưng Công ty A vẫn ko có thiện chí thanh toán và không gửi lại Công ty chúng tôi bất cứ phản hồi nào. Sau này, Công ty tôi mới biết được Công ty A đã bị giải thể. Cho tôi được hỏi trong trường hợp này Công ty A đã bị giải thể, Công ty tôi có quyền yêu cầu Công ty A trả nợ hay không? Và Công ty tôi phải yêu cầu ai có trách nhiệm phải trả số tiền nợ này?

Trả lời:

Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về điều kiện giải thể doanh nghiệp như sau:

“Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài”.

Như vậy, để có thể tiến hành việc giải thể, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp.

Về hồ sơ giải thể doanh nghiệp bao gồm các giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp 2014 như sau:

– Thông báo về giải thể doanh nghiệp;

– Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp; danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có);

– Con dấu và giấy chứng nhận mẫu dấu (nếu có);

– Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, tại khoản 2, khoản 3 Điều này cũng có quy định như sau:

2. Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần, thành viên Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty, chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thành viên hợp danh, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ giải thể doanh nghiệp.

3. Trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo, những người quy định tại khoản 2 Điều này phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán số nợ chưa thanh toán, số thuế chưa nộp và quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về những hệ quả phát sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến Cơ quan đăng ký kinh doanh”.

Như vậy, khi doanh nghiệp giải thể vẫn chưa thanh toán hết các khoản nợ, điều này đồng nghĩa với việc hồ sơ giải thể của doanh nghiệp đã không đảm bảo tính chính xác và trung thực, không kê khai những khoản nợ chưa thanh toán của Công ty nhằm để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nên bạn có thể yêu cầu hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty cũ của Công ty A liên đới chịu trách nhiệm trả nợ cho Công ty của bạn, việc liên đới trả nợ được thực hiện theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015

“Điều 288. Thực hiện nghĩa vụ liên đới

  1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
  2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
  3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
  4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.”

Với những căn cứ pháp luật nêu trên, Công ty bạn hoàn toàn có quyền đòi nợ từ Công ty A trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Công ty A nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn có thể yêu cầu bất cứ ai trong hội đồng thành viên của Công ty TNHH A thanh toán toàn bộ khoản nợ cho Công ty bạn. Trường hợp không chịu thanh toán, Công ty bạn có thể khởi kiện đến Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty bạn.

Công ty Luật Ami

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

[Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?