Cổ đông sáng lập là cổ đông sở hữu ít nhất một cổ phần phổ thông và ký tên trong Danh sách cổ đông sáng lập công ty cổ phần.
Nếu như theo quy định của các văn bản hướng dẫn luật Doanh nghiệp trước đây, trường hợp thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần, công ty phải thực hiện thủ tục gửi thông báo đến Phòng đăng ký kinh doanh nơi công ty đăng ký. Phòng đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, thay đổi thông tin về cổ đông sáng lập của công ty trong cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, kể từ thời điểm Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 04/01/2021, việc thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần chưa niêm yết phải thực hiện thủ tục thông báo Phòng đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Điều 113 Luật doanh nghiệp 2020 (khoản 2 Điều 57 Nghị định 01/2021/NĐ-CP) .
Do vậy, việc thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần chưa niêm yết không cần phải thực hiện thủ tục thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh.
Theo đó, cá nhân, tổ chức nhận cổ phần sẽ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ và sổ đăng ký cổ đông. Cụ thể theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc chuyển nhượng cổ phần:
“6. Cá nhân, tổ chức nhận cổ phần trong các trường hợp quy định tại Điều này chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ quy định tại khoản 2 Điều 122 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.
- Công ty phải đăng ký thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông theo yêu cầu của cổ đông có liên quan trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu theo quy định tại Điều lệ công ty.”
*Thuế chuyển nhượng cổ phần:
Theo như Công văn số 2861/TCT-TNCN ngày 23/7/2018 của Tổng cục thuế về chính sách thuế thu nhập cá nhân có nội dung như sau:
Tại Điểm 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn
Thu nhập từ chuyển nhượng vốn là Khoản thu nhập cá nhân nhận được bao gồm:
a) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp trong công ty trách nhiệm hữu hạn (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên), công ty hợp danh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức khác.
b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định của Luật Chứng khoán; thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.”
Tại Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn:
“1. Đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp
Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập tính thuế và thuế suất.
a) Thu nhập tính thuế: thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
…
b) Thuế suất
Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%.
…
d) Cách tính thuế
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp | = | Thu nhập tính thuế | x | Thuế suất 20%” |
Tại Điều 16 Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 hướng dẫn Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b Khoản 2 Điều 11 Thông tư số 111/2013/TT-BTC như sau:
“…b) Thuế suất và cách tính thuế:
Cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
Cách tính thuế:
Thuế thu nhập cá nhân phải nộp | = | Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần | x | Thuế suất 0,1%” |
Tại Điều 4 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 4 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính như sau:
“b. Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Luật chứng khoán và Điều 120 của Luật doanh nghiệp.”
Căn cứ theo những hướng dẫn nêu trên, các cá nhân chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần theo quy định tại luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán được xác định là chuyển nhượng chứng khoán, theo đó các cá nhân thực hiện kê khai, nộp thuế TNCN theo mức thuế suất 0,1% tính trên giá chuyển nhượng theo hướng dẫn tại Điều 16 và Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.
Trên đây là nội dung tư vấn được thực hiện bởi đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tại Công ty luật AMI. Trường hợp có vướng mắc về pháp lý cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.
Địa chỉ: 50 Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com