Cháu tôi có phạm tội đi tù và đã được xoá án tích. Hiện nay, cháu tôi đang xin các giấy tờ để đi hợp tác lao động bên Hàn Quốc, thủ tục này cần lý lịch tư pháp số 2. Vậy, tờ giấy này sẽ ghi có án tích hay là án tích đã xoá? Cháu tôi có cần phải tiến hành các thủ tục gì để các cơ quan có thẩm quyền cập nhật việc xoá án tích này cho cháu tôi hay không?
Trả lời:
Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng. Liên quan đến nội dung thắc mắc của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:
- Xoá án tích theo quy định của pháp luật hình sự:
Tại Điều 70 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về việc đương nhiên được xoá án tích cụ thể như sau:
“1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
3. Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
4. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.”
Do thông tin bạn cung cấp không rõ nội dung cháu bạn phạm tội gì, có được xoá án tích theo thời gian quy định nêu trên hay chưa, trường hợp người phạm tội đã chấp hành xong bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự nêu trên thì đương nhiên được xoá án tích.
Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án. Bạn không cần phải thực hiện thêm thủ tục để được xoá án tích vì việc xoá án tích là đương nhiên.
- Quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp liên quan đến vấn đề xoá án tích
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định tình trạng án tích được ghi nhận trong nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1 như sau: “Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.
Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định tình trạng án tích được ghi nhận trong Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2 như sau: “Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.”
Do vậy, trường hợp có án tích và đã được xoá án tích thì nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1 không thể hiện thông tin về tình trạng án tích nhưng Phiếu lý lịch tư pháp số 2 thì nội dung thể hiện đầy đủ các thông tin về án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xoá, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án,…
Về nội dung thể hiện trong Phiếu lý lịch tư pháp số 2, theo quy định khoản 2 Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp được hướng dẫn bởi điểm b khoản 2 Điều 14 Thông tư 13/2011/TT-BTP và được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 1 Thông tư 16/2013/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2011/TT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu và mẫu sổ lý lịch tư pháp như sau:
“b) Đối với người đã bị kết án thì chỉ ghi nội dung án tích vào các ô, mục tương ứng trong Phiếu lý lịch tư pháp và ghi đầy đủ án tích đã được xóa, thời điểm được xóa án tích, án tích chưa được xóa.
Án tích nào không có các nội dung tại các mục Hình phạt bổ sung, Nghĩa vụ dân sự, án phí thì ghi dấu “//” vào các mục đó.
Trường hợp người bị kết án có nhiều án tích thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian bị kết án.
Trường hợp người bị kết án được xét xử theo thủ tục phúc thẩm thì án tích đó được cập nhật vào Phiếu lý lịch tư pháp số 2, cụ thể như sau:
Nội dung cập nhật vào mục “Bản án số…ngày…tháng…năm…của Tòa án…” được cập nhật theo thông tin của bản án hình sự phúc thẩm.
Trường hợp bản án hình sự phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm thì cập nhật nội dung của bản án hình sự sơ thẩm vào Phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời cập nhật vào mục ghi chú là “giữ nguyên bản án sơ thẩm số… ngày…tháng…năm của Tòa án…” .
Trường hợp bản án hình sự phúc thẩm sửa các nội dung về tội danh, điều khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự, án phí của bản án hình sự sơ thẩm thì cập nhật nội dung đã được sửa theo bản án phúc thẩm vào Phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời cập nhật vào mục ghi chú là “sửa bản án sơ thẩm số… ngày…tháng…năm của Tòa án…”.
Trường hợp bản án hình sự phúc thẩm chỉ sửa một trong các nội dung về tội danh, điều khoản của Bộ luật Hình sự được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự, án phí của bản án hình sự sơ thẩm thì cập nhật nội dung đã được sửa theo bản án hình sự phúc thẩm và nội dung được giữ nguyên của bản án hình sự sơ thẩm vào Phiếu lý lịch tư pháp, đồng thời cập nhật vào mục ghi chú những nội dung nào được sửa theo bản án hình sự phúc thẩm;
c) Nội dung về “Tình trạng thi hành án” ghi theo nội dung được cập nhật trong Lý lịch tư pháp của người đó tại thời điểm yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Ví dụ: Tại thời điểm yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, trong Lý lịch tư pháp của Nguyễn Văn A được cập nhật đến mục “Quyết định hoãn chấp hành án phạt tù” thì Phiếu lý lịch tư pháp số 2 của Nguyễn Văn A trong mục “Tình trạng thi hành án” ghi là: Hoãn chấp hành án phạt tù theo Quyết định số…, ngày…tháng…năm… của Tòa án nhân dân….
Trường hợp người bị kết án đã được xóa án tích thì mục “Tình trạng thi hành án” ghi rõ: “Đã chấp hành xong bản án”.”
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Để được hỗ trợ tư vấn pháp luật miễn phí, bạn vui lòng liên hệ thông tin bên dưới.
?Công ty Luật AMI
?Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 – 257 Hùng Vương – Thanh Khê, TP Đà Nẵng, Việt Nam
?Điện thoại: 0941 767 076
?Email: amilawfirmdn@gmail.com