Trang chủ / Tư vấn / Thủ tục nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng?

Thủ tục nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng?

      Vợ chồng tôi đã kết hôn đến nay đã được ba năm, trước đây, ba mẹ chồng tôi có cho chồng tôi vay một số tiền để mua đất đã có nhà ở, mảnh đất này chồng tôi đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi kết hôn, tôi cùng chồng tôi trả nợ cho ba mẹ chồng và đến nay đã trả gần xong. Cho tôi được hỏi việc tôi cùng chồng trả nợ thì tôi có đương nhiên được sở hữu mảnh đất này với chồng tôi hay không? Đây có phải là tài sản chung của vợ chồng tôi? Nếu không thì tôi phải làm như thế nào để tài sản này trở thành tài sản chung của hai vợ chồng tôi?

Trả lời:

 

Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

 

     Tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định Tài sản chung của vợ chồng như sau:

“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Tài sản mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.”

 

Theo quy định nêu trên, tài sản có trước khi kết hôn là tài sản riêng của vợ, chồng. Do số tiền mua mảnh đất này đã được bố mẹ chồng bạn cho chồng bạn vay trước thời điểm các bạn đăng ký kết hôn, đồng thời, chồng bạn cũng đã đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất, do vậy, đây là tài sản riêng của chồng bạn.

Về khoản nợ của chồng bạn để trả nợ cho mảnh đất này, đây là khoản nợ riêng của chồng bạn, có trước khi các bạn kết hôn (khoản 1 Điều 45 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014). Khoản nợ này không thuộc các trường hợp vợ chồng phải có trách nhiệm liên đới hay phải thực hiện nghĩa vụ chung với nhau (Điều 27, Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014).

Do vậy, trong trường hợp này, sau khi kết hôn, cho dù bạn và chồng bạn có cùng trả khoản nợ của việc vay mượn mua đất này thì đây chỉ là thực hiện nghĩa vụ riêng đối với tài sản riêng của chồng bạn, điều này không thể hiện bạn là người có quyền sở hữu đối với mảnh đất này.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp này, tài sản riêng của chồng có thể nhập vào tài sản chung của vợ chồng.

Theo quy định tại Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình quy định chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng thì: “Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.”

Đồng thời, tài khoản 1 Điều 46 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định về việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung: “Việc nhập tài sản riêng của vợ, chồng vào tài sản chung được thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng”.

Theo đó, vợ chồng bạn có thể thoả thuận về việc chồng bạn đồng ý cho bạn cùng sở hữu căn nhà, cùng đứng tên chung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở vài tài sản gắn liền trên đất, nhập tài sản riêng của chồng vào tài sản chung của hai vợ chồng.

Trường hợp có thoả thuận này, bạn nên yêu cầu công chứng hoặc chứng thực văn bản này để đảm bảo việc thoả thuận có giá trị pháp lý cao nhất. Sau đó, bạn có thể tiến hành thủ tục bổ sung thêm tên của mình vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở vài tài sản gắn liền trên đất.

 

Việc thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 quy định về việc thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, cụ thể:

“2. Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng gồm có:

a) Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;

b) Hợp đồng, văn bản về việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng theo quy định.

Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;

c) Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;

d) Văn bản chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư;

đ) Văn bản của người sử dụng đất đồng ý cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất.”

Cơ quan có thẩm quyền: Hồ sơ được nộp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng đăng ký đất đai tại nơi có tài sản.

Thời gian cấp đổi: không quá 10 ngày (Thông tư Số: 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành luật đất đai).

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

 

Công ty Luật Ami

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?