Ngày 10/9/2024 Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 163/TANDTC-PC năm 2024 về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử.
Cụ thể, Công văn 163/TANDTC-PC năm 2024 về giải đáp một số vướng mắc trong xét xử như sau:
I. HÌNH SỰ, TỐ TỤNG HÌNH SỰ
1. Điều 63 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên, trong đó phải có điều kiện “Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”. Trường hợp đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, trong bản án có tuyên cha mẹ bị cáo phải bồi thường cho bị hại. Tuy nhiên, Điều 105 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định điều kiện được giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi không quy định về điều kiện phải bồi thường, nếu cha mẹ của phạm nhân không thực hiện việc bồi thường thì phạm nhân là người dưới 18 tuổi có được giảm mức hình phạt đã tuyên không (các điều kiện khác đều đảm bảo)?
Theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về giảm mức hình phạt đã tuyên đối với người dưới 18 tuổi thì không quy định điều kiện bồi thường là một trong các điều kiện được xét giảm. Do đó, việc cha mẹ của người dưới 18 tuổi không thực hiện việc bồi thường thì họ vẫn được giảm mức hình phạt đã tuyên.
…
II. THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ
1. Việc cho người bị kết án hưởng thời hiệu thi hành bản án thuộc thẩm quyền của Tòa án nào. Tòa án ra bản án hay Tòa án nơi người bị kết án đang chấp hành án?
Trường hợp nêu, Tòa án đã ra bản án có thẩm quyền thông báo cho người bị kết án hưởng thời hiệu thi hành bản án.
…
III. ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN
Trường hợp người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang bị đưa vào cơ sở cai nghiện để cắt cơn, giải độc chờ lập hồ sơ. Khi Tòa án mở phiên họp thì cơ quan nào có thẩm quyền dẫn giải đối tượng này đến phiên họp và thủ tục thực hiện như thế nào?
Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) không quy định biện pháp dẫn giải. Đây là biện pháp hạn chế quyền con người, không được quy định bởi luật thì không được áp dụng. Do đó, trường hợp này không được áp dụng biện pháp dẫn giải.
…
IV. DÂN SỰ, TỐ TỤNG DÂN SỰ
1. Đương sự ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng. Trường hợp Tòa án không thể tống đạt trực tiếp cho người đại diện theo ủy quyền thì có thể tống đạt cho người ủy quyền và người ủy quyền có nghĩa vụ thông báo lại cho người được ủy quyền hay không?
Trường hợp đương sự đã ủy quyền cho người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng thì Tòa án chỉ tống đạt cho người đại diện của đương sự mà không phải tống đạt cho đương sự. Tuy nhiên, trường hợp Tòa án không thể tống đạt trực tiếp cho người đại diện theo ủy quyền thì Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết công khai quy định tại Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự và tống đạt trực tiếp cho đương sự ủy quyền.
…
Như vậy, Công văn 163/TANDTC-PC năm 2024 giải đáp một số vướng mắc trong xét xử trong:
+ Hình sự, tố tụng hình sự
+ Thi hành án hình sự
+ Áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND
+ Dân sự, tố tụng dân sự.
TẢI FILE PDF TẠI ĐÂY