Vừa qua, tôi có bị Công an bắt và xử phạt hành chính về hành vi trộm cắp tài sản do giá trị của tài sản bị trộm cắp không lớn. Việc nảy sinh ý định trộm cắp chỉ là do ý định bồng bột của tôi, tôi không có tiền án, tiền sự nào về tội này. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, trong quá trình làm việc, công an có chụp hình của tôi và đăng trên facebook và các trang báo của địa phương, khiến cho mọi người hiểu nhầm rằng chúng tôi đã bị công ăn bắt giam. Việc này đã làm xáo trộn gia đình tôi, ảnh hưởng vô cùng lớn đến uy tín, danh dự và công việc hiện tại của tôi. Việc các trang báo và facebook đăng hình của tôi khi đang làm việc với công an có đúng hay không? Tôi phải nên làm gì bây giờ?
Trả lời:
Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, đây là quyền nhân thân của mỗi người, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về quyền cá nhân đối với hình ảnh như sau:
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.”
Như vậy, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý trừ các trường hợp hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công công; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, có quy định những điều không được thông tin trên báo chí: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của Tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên án”.
Có thể thấy, các cơ quan báo chỉ cũng chỉ được đăng ảnh những người có lệnh truy nã, những người phạm tội trong các vụ trọng án đã bị tuyên.
Trong khi đó, bạn không thuộc các trường hợp “không cần sự đồng ý của người có hình ảnh” theo khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, cũng không thuộc trường hợp bị Toà án kết tội, do việc“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (theo quy định tại Điều 31 Luật Hiến pháp năm 2013). Do vậy, việc các trang facebook và các trang báo sử dụng hình ảnh của bạn mà không được sự đồng ý của bạn là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà không xin phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại điểm e, khoản 2, Điều 8 Nghị đinh 159/2013/NĐ-CP việc: “Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác” sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải khắc phục hậu quả, buộc cải chính, xin lỗi.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: “Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.”
Do vậy, trong trường hợp này, bạn nên làm đơn gửi đến các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền để can thiệp và giải quyết theo đúng quy định pháp luật. Hoặc bạn có thể gửi đến Tòa án để đòi bồi thường, yêu cầu không được sử dụng hình ảnh mà chưa có sự cho phép của mình.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.
Công ty Luật Ami
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com
Website: amilawfirm.com