Trang chủ / Tin tức / Sổ mục kê là gì? Ý nghĩa trong giải quyết tranh chấp đất đai

Sổ mục kê là gì? Ý nghĩa trong giải quyết tranh chấp đất đai

BÍCH PHƯỢNG – KIM THÚY – Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp đất đai, trong nhiều vụ án, đất không có giấy tờ, người sử dụng đất chỉ có tên trong sổ mục kê. Vậy sổ mục kê có giá trị pháp lý như thế nào trong quản lý đất đai, trong giải quyết tranh chấp đất đai?

 

1. Tình huống pháp lý

 

Nhà nước có chủ trương về việc khuyến khích nhân dân trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.

Đầu năm 2018, giữa hộ ông A và hộ ông B cùng thôn xảy ra tranh chấp diện tích đất 3.000m2. Tranh chấp giữa hai gia đình ông A và ông B đã được UBND xã T tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành.

Ông A khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hộ ông B phải trả lại 3.000m2 đất tại địa chỉ trên và nhổ toàn bộ cây lương thực mới trồng trên đất của ông A. Căn cứ của phía nguyên đơn đưa ra để bảo vệ quyền lợi của mình, đó là hộ gia đình ông A đã có tên trong sổ mục kê của xã.

Theo ông A: Năm 1996, gia đình ông A đã tiến hành phát dọn cỏ rồi trồng: trẩu, trám, tre… Sau khi trồng cây, gia đình đã thường xuyên chăm sóc, bảo vệ từ đó cho đến nay. Quá trình sử dụng đất, năm 2012 gia đình ông A đã tiến hành kê khai và được cơ quan quản lý hồ sơ địa chính xác nhận có tên trong sổ mục kê, hộ ông A đang sử dụng 60.000m2 đất rừng. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích đất này chưa được cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ) với lý do là đất đang có tranh chấp.

Theo ông B: Nguồn gốc đất có tranh chấp là của bố mẹ ông B để lại, gia đình ông B sử dụng đất từ năm 1979, đến năm 2006 thì gia đình ông được cấp GCN QSDĐ số AB 123456 do UBND huyện C cấp ngày 20/12/2006 với diện tích 3.000m2 (sát với phần đất gia đình ông A trồng rừng). Gia đình ông B trồng cây lâu năm (trẩu, trám). Đến năm 2018, ông A chặt số cây này thì hai bên xảy ra tranh chấp.

 

Tòa án đã tiến hành thu thập tài liệu, chứng cứ, kết quả cụ thể như sau:

(1) Qua xem xét, thẩm định tại chỗ đã xác định được diện tích đất tranh chấp giữa ông A và ông B là 3.000m2 thuộc thửa số 11, tờ bản đồ 279, địa chỉ thửa đất tại thôn Đ, xã N, huyện C. Tức là diện tích đất có tranh chấp thuộc đất mà ông A đứng tên trong sổ mục kê của xã. Trên đất tranh chấp, ông B có trồng một số cây lương thực.

(2) Còn diện tích đất mà hộ gia đình ông B được Nhà nước cấp GCN QSDĐ năm 2006 (GCN QSDĐ số AB 123456 do UBND huyện C cấp ngày 20/12/2006 với diện tích 3.000 m2) tại địa chỉ thôn Đ, xã N, huyện C thì lại không phải là diện tích đất có tranh chấp. Diện tích đất theo GCN QSDĐ ông B xuất trình nằm gần sát diện tích đất có tranh chấp. Diện tích đất này hiện Công ty S đang sử dụng để tập kết nguyên liệu.

Hiện nay đang có các quan điểm khác nhau về việc giải quyết tranh chấp đất đai như sau:

– Quan điểm thứ nhất: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A. Xác nhận hộ ông A được sử dụng đất. Buộc gia đình ông B phải thu hoạch toàn bộ cây lương thực đang trồng để trả lại đất.

Những người theo quan điểm này lập luận rằng: Gia đình ông A sử dụng đất từ năm 1996, năm 2013 đã có tên trong sổ mục kê. Gia đình ông A đã tiến hành khai thác gỗ nhiều năm để bán và ông B không có ý kiến gì.

– Quan điểm thứ hai cho rằng: Sổ mục kê không phải là căn cứ để xác định QSDĐ. Trong trường hợp này, cần phải xem xét một cách toàn diện mới có thể giải quyết dứt điểm được vụ án.

 

2. Sổ mục kê là gì? Có ý nghĩa như thế nào trong quản lý nhà nước về đất đai?

Khoản 15 Điều 4 Luật Đất đai 2003 quy định: “Sổ mục kê đất đai là sổ được lập cho từng đơn vị xã, phường, thị trấn để ghi các thửa đất và các thông tin về thửa đất đó”. Và sổ mục kê là bộ phận cấu thành hồ sơ địa chính.

Đến Luật Đất đai 2013 thì lại không quy định về sổ mục kê đất đai. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 01/2017/NĐ-CP thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định mà có sổ mục kê lập trước ngày 15/10/1993 (giấy tờ khác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định tại điểm g2 khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai có tên người sử dụng đất) thì được cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Như vậy, chỉ hộ gia đình, cá nhân có tên trong sổ mục kê lập trước ngày 15/10/1993 đang sử dụng đất ổn định mới là đối tượng được cấp GCN QSDĐ và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT thì sổ mục kê đất đai được lập để liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã.
Nội dung sổ mục kê đất đai gồm số thứ tự tờ bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính; số thứ tự thửa đất, đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; tên người sử dụng, quản lý đất; mã đối tượng sử dụng, quản lý đất; diện tích; loại đất (bao gồm loại đất theo hiện trạng, loại đất theo giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất, loại đất theo quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt).

Sổ mục kê đất đai được lập dưới dạng số, lưu giữ trong cơ sở dữ liệu đất đai, được in cùng với bản đồ địa chính để lưu trữ và được sao để sử dụng đối với nơi chưa có điều kiện khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai.

Việc lập sổ mục kê đất đai được thực hiện sau khi hoàn thành việc biên tập mảnh bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính.

Như vậy, việc gia đình ông A có tên trong sổ mục kê lập năm 2013 không thuộc trường hợp quy định tại Điều 18 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nêu trên.

 

3. Sổ mục kê có phải là căn cứ chứng minh QSDĐ hay không?

Để xác định chính xác diện tích 3.000m2 có tranh chấp thuộc quyền sửa dụng của ông A hay của ông B, theo chúng tôi, với tài liệu, chứng cứ các bên đương sự và Tòa án thu thập như trên chưa đủ để bảo đảm giải quyết vụ án. Theo chúng tôi, cần phải bổ sung các tài liệu, chứng cứ sau:

– Về việc lập sơ đồ thửa đất và sổ mục kê có đúng quy định hay không? Khi lập sơ đồ hiện trạng thửa đất số 11, tờ bản đồ 279, địa chỉ thửa đất tại thôn Đ, xã N, huyện C có sự chứng kiến của các hộ sử dụng đất tứ cận hay không? Lý do vì sao gia đình ông A không được cấp GCN QSDĐ?

– Việc UBND huyện C cấp GCN QSDĐ cho hộ gia đình ông B có đúng hay không? Yêu cầu cơ quan đã cấp GCN QSDĐ cung cấp hồ sơ cấp GCN QSDĐ.

Ngoài ra, còn rất nhiều biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ khác mà các bên đương sự cũng như Tòa án có thể áp dụng để xác định ai là người sử dụng diện tích 3.000m2 đất đang có tranh chấp.

Từ đó, tùy từng vào kết quả tài kiệu, chứng cứ và tranh tụng giữa các bên đương sự mà Tòa án xử lý cụ thể:

– Nếu việc lập sơ đồ hiện trạng thửa đất số 11, tờ bản đồ 279, địa chỉ thửa đất tại thôn Đ, xã N, huyện C và sổ mục kê về thửa đất này mà đúng với quy định của pháp luật thì Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A.

– Nếu việc lập sơ đồ hiện trạng thửa đất số 11, tờ bản đồ 279, địa chỉ thửa đất tại thôn Đ, xã N, huyện C và sổ mục kê về thửa đất này không đúng quy định của pháp luật và có căn cứ cho rằng gia đình ông B sử dụng diện tích 3.000m2 đất liên tục từ năm 1979 đến nay thì cần phải xác định diện tích 3.000m2 thuộc quyền sử dụng của ông B.

Việc UBND huyện C cấp giấy chứng nhận sai vị trí cho ông B, trong bản án, Tòa án cần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi GCN QSDĐ đã cấp không đúng3 theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai 2013 và cấp lại GCN QSDĐ mới cho ông B.

Như vậy, tình huống pháp lý nêu trong bài viết này là một tình huống về đánh giá chứng cứ trong giải quyết tranh chấp đất đai và sổ mục kê có phải là căn cứ xác định QSDĐ hay không cần phải được xem xét và đánh giá một cách toàn diện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ các bên đương sự xuất trình, Tòa án thu thập được và kết quả tranh tụng trong quá trình giải quyết vụ án.

 

Nguồn bài viết: Tạp chí Tòa án

https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/so-muc-ke-trong-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online