Trang chủ / Doanh nghiệp / Quy định về việc bồi thường tai nạn lao động do lỗi của người lao động khác gây ra trong giờ làm việc?

Quy định về việc bồi thường tai nạn lao động do lỗi của người lao động khác gây ra trong giờ làm việc?

Vừa qua, khi đang trong quá trình làm việc tại Công trình xây dựng của Công ty, tôi chẳng may bị một đồng nghiệp khác, do thiếu quan sát trong quá trình điều khiển xe chở nguyên vật liệu va phải tôi, khiến cho tôi bị gãy chân, hiện tôi đang điều trị tại bệnh viện gần 01 tháng nay vẫn chưa đi lại bình thường được. Phía đồng nghiệp có liên hệ tôi để hỗ trợ cho gia đình tôi một ít tiền, cho tôi hỏi trong trường hợp này người đồng nghiệp của tôi có chịu trách nhiệm gì liên quan theo quy định pháp luật hay không? Công ty của tôi có phải bồi thường gì cho tôi hay không?

 

Trả lời:

Lời đầu tiên, Công ty luật AMI xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

 

Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động (khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015).

 

Khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ trường hợp đã được điều tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 hoặc tai nạn lao động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trong quá trình điều tra tai nạn lao động, nếu có phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Đoàn điều tra phải báo cáo bằng văn bản, kèm theo các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan (nếu có) cho cơ quan điều tra để xem xét, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về hình sự (Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động).

 

Như vậy, bạn bị tai nạn cho một người lao động khác gây ra trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động thì người lao động gây ra tai nạn cho bạn tuỳ thuộc vào kết quả điều tra của các cơ quan, bộ phận có thẩm quyền để xem xét đến trách nhiệm của người này.

Còn đối với việc bồi thường tai nạn lao động cho bạn, mặc dù lỗi là do người lao động khác gây ra, tuy nhiên, việc bạn bị tai nạn lao động trong lúc làm việc sẽ được bồi thường bởi người sử dụng lao động và Cơ quan bảo hiểm xã hội (trường hợp bạn có tham gia bảo hiểm xã hội) theo quy định như sau:

 

Tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

– Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.

– Thanh toán chi phí y tế từ sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế.

+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường họp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.

+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

– Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

– Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.

+ Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho nhân thân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định nêu trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

 

Như vậy, nếu như bạn đã tham gia bảo hiểm xã hội, Công ty có đóng bảo hiểm cho bạn thì ngoài việc đồng chi trả với bảo hiểm xã hội thì công ty còn có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động gây ra số tiền lương nêu trên.

 

Người sử dụng lao động chỉ không phải chi trả các khoản này khi nếu thuộc một trong các nguyên nhân sau quy định tại Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động:

– Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vui lao động.

– Do người lao động cố ý tự huỷ hoại sức khoẻ của bản thân.

– Do sử dụng ma tuý, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Công ty luật AMI

Địa chỉ: 50 Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?