Trang chủ / Đất đai / Phân biệt công chứng, chứng thực và tổng hợp một số giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực

Phân biệt công chứng, chứng thực và tổng hợp một số giao dịch bắt buộc phải công chứng, chứng thực

Theo quy định pháp luật hiện nay, một số loại giao dịch dân sự về hình thức bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản, phải có công chứng, chứng thực mà các bên không thực hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực của giao dịch dân sự (Khoản 2, Điều 117; khoản 2 Điều 119; Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Các giao dịch dân sự bắt buộc phải được thực hiện bằng văn bản và được công chứng, chứng thực được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành khác nhau. Hiện nay, không có quy định hợp đồng, giao dịch được chứng thực hoặc được công chứng cái nào có giá trị pháp lý cao hơn. Do đó, chúng ta cần phân biệt công chứng, chứng thực dựa theo một số tiêu chí dưới đây để lựa chọn giữa công chứng hoặc chứng thực.

CÔNG CHỨNG:

  1. Khái niệm: Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng (khoản 1 Điều 2, Luật Công chứng 2014).
  2. Thẩm quyền: Do cơ quan bổ trợ tư pháp thực hiện.
  • Phòng công chứng (Điều 19 Luật Công chứng 2014).
  • Văn phòng công chứng (Điều 22 Luật Công chứng 2014).

      3. Giá trị pháp lý:

  • Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
  • Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
  • Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch (Điều 5 Luật Công chứng 2014).

 

CHỨNG THỰC

  1. Khái niệm: Chứng thực chữ ký, hợp đồng, giao dịch là việc cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản là chữ ký của người đã yêu cầu chứng thực (chứng thực chữ ký), chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch (chứng thực hợp đồng, giao dịch) (Điều 2 Nghị Định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch).
  2. Thẩm quyền: Chủ yếu do cơ quan nhà nước thực hiện.
  • Phòng tư pháp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
  • Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
  • Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được uỷ quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài.
  • Công chứng viên.

Tuỳ từng loại giấy tờ mà thực hiện chứng thực ở các cơ quan khác nhau (Điều 5 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).

3. Giá trị pháp lý :

  • Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
  • Chữ ký được chứng thực có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
  • Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch (Điều 3 Nghị định 123/2015/NĐ-CP)

Sau đây là tổng hợp một số giao dịch dân sự phải được thực hiện bằng văn bản và bắt buộc phải qua công chứng, chứng thực.

  1. Các loại hợp đồng liên quan đến nhà ở

Hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại trừ trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở (Điều 122 Luật Nhà ở 2014).

  1. Các loại hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất

Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trừcác hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản (Điều 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013).

  1. Các loại văn bản thừa kế và di chúc

– Văn bản về lựa chọn người giám hộ (khoản 2 Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015).

– Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ (khoản 3 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015).

– Di chúc miệng được người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng (khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015)

– Di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài (khoản 5 Điều 647 Bộ luật Dân sự 2015).

– Văn bản thừa kế nhà ở (khoản 3 Điều 122 Luật Nhà ở năm 2014).

– Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (Điểm c khoản 3 Điều 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013).

  1. Các văn bản thoả thuận về hôn nhân và gia đình

– Văn bản thoả thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng (Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

– Thoả thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

– Văn bản uỷ quyền cho nhau về việc thoả thuận mang thai hộ (khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

  1. Giấy bán, tặng, cho xe của cá nhân (Điểm g, khoản 1, Điều 10, Thông tư số 15/2014/TT-BCA)

_____________________

Công ty luật Ami

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?