Trang chủ / Doanh nghiệp / Nhà đầu tư nước ngoài có được phép thành lập trung tâm ngoại ngữ tại Việt Nam?

Nhà đầu tư nước ngoài có được phép thành lập trung tâm ngoại ngữ tại Việt Nam?

Hiện nay, với chính sách mở cửa kinh tế thị trường, chủ trương hòa nhập với các quốc gia trên thế giới đã góp phần thúc đẩy nhu cầu theo học ngoại ngữ tại Việt Nam ngày một tăng cao. Nhận thức được tiềm năng và xu hướng phát triển trong lĩnh vực này, nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia khác mong muốn thành lập trung tâm có vốn đầu tư nước ngoài để đào tạo ngoại ngữ cho công dân Việt Nam. Sau đây, Công ty Luật AMI xin gửi đến Quý bạn đọc các điều kiện và trình tự thủ tục để thành lập trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài tại Việt Nam.

 

  1. Điều kiện thành lập Trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài

Theo biểu mẫu cam kết WTO, ngành nghề đào tạo ngoại ngữ thuộc nhóm ngành các dịch vụ khác mã CPC 929 đã được Việt Nam cam kết mở cửa tự do, không hạn chế kể từ ngày 01/01/2009. Do đó, bất kỳ Nhà đầu tư nước ngoài nào là thành viên của WTO có thể thành lập cơ sở đào tạo ngoại ngữ với số vốn nước ngoài tối đa là 100% tại Việt Nam.

Ngoài ra, kinh doanh hoạt động đào tạo ngoại ngữ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên để thành lập Trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài, Nhà đầu tư phải tuân theo các quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 06/06/2018 và các văn bản khác liên quan như sau:

 

Về vốn đầu tư:

  • Theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP, Trung tâm ngoại ngữ được xếp vào loại hình cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ vào thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.
  • Đối với các Trung tâm không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức trên

(Khoản 3, Khoản 6 Điều 35 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)

 

Về cơ sở vật chất, thiết bị

–   Có phòng học phù hợp về ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy;

  Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/người học;

  Có văn phòng của ban giám đốc, lãnh đạo, phòng giáo viên, thư viện và các phòng chức năng khác.

Trường hợp Trung tâm thuê cơ sở vật chất thì phải đảm bảo thời hạn thuê ổn định là 05 năm và phải đáp ứng các điều kiện vật chất nêu trên

(Khoản 1, Khoản 5 Điều 36 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)

 

Về chương trình giáo dục

  • Chương trình giáo dục thực hiện tại Trung tâm phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo;
  • Trung tâm có thể giảng dạy chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của nước ngoài.

(Khoản 1, Khoản 2 Điều 37 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)

 

Về đội ngũ giảng viên:

Giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng hoặc tương đương, có ngành đào tạo phù hợp với chuyên môn được phân công giảng dạy;

Tỷ lệ học viên/giáo viên quy đổi tối đa là 25 học viên/giáo viên.

(Khoản 1 Điều 38 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)

 

Ngoài ra các Nhà đầu tư còn phải đảm bảo các điều kiện giáo dục bao gồm:

  • Phù hợp với quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
  • Tuân thủ theotheo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong lĩnh vực giáo dục
  • Được phép hợp tác, đầu tư các ngành đào tạo theo quy định hiện hành trừ các ngành về an ninh, quốc phòng, chính trị và tôn giáo

(Điều 33 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)

 

  1. Tên của Trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài:
  • Tên của Trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài phải bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trung tâm giáo dục hoặc đào tạo”, “Ngành hoặc nhóm ngành đào tạo chính” và tên riêng;
  • Tên riêng của Trung tâm ngoại có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam;
  • Trung tâm có thể đặt tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương

(Khoản 1 Điều 29 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)

 

  1. Trình tự, thủ tục thành lập:

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 31 Nghị định 86/2018/NĐ-CP, trước khi thành lập Trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài, Nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau đó mới thực hiện thủ tục xin cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục đối với Trung tâm được thành lập và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.

 

Về thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các cá nhân, tổ chức thành lập Trung tâm phải đáp ứng các điều kiện tại Mục 1 nêu trên.

Đối với dự án thành lập Trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài, cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lấy ý kiến thẩm định của Sở giáo dục và đào tạo.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định của Luật đầu tư.

 

Về thủ tục cho phép hoạt động giáo dục:

Điều kiện cho phép hoạt động giáo dục:

Có giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Đáp ứng đủ các điều kiện đã nêu tại Mục 1;

– Có quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm.

(Điều 45 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)

 

Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục:

– Đơn đăng ký hoạt động giáo dục theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

– Quy chế tổ chức, hoạt động.

– Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện.

– Báo cáo giải trình về việc Trung tâm đã đáp ứng các điều kiện đã nêu tại Mục 1, đồng thời gửi kèm:

+ Danh sách hiệu trưởng (giám đốc), phó hiệu trưởng (phó giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng;

+ Danh sách và lý lịch cá nhân của cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng);

+ Mô tả cấp học, trình độ đào tạo, ngành đào tạo;

+ Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính;

+ Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh;

+ Quy chế đào tạo;

+ Quy mô đào tạo (học sinh, sinh viên, học viên);

+ Các quy định về học phí và các loại phí liên quan;

+ Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo;

+ Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.

(Điều 46 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)

 

Thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục: Giám đốc sở giáo dục và đào tạo (Điểm a Khoản 2 Điều 47 Nghị định 86/2018/NĐ-CP)

 

Thủ tục cho phép hoạt động giáo dục:

– Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động trực tiếp hoặc qua bưu điện đến cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục;

– Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định các điều kiện theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép hoạt động theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho nhà đầu tư.

Trường hợp cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện để hoạt động, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lời bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến điều kiện và trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm ngoại ngữ có vốn đầu tư nước ngoài. Trường hợp cần hỗ trợ, Quý bạn đọc vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Theo Lệ Bùi

CÔNG TY LUẬT AMI

Địa chỉ: 50 Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

 

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?