Trang chủ / Doanh nghiệp / Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được nhận thừa kế là quyền sử dụng đất

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được nhận thừa kế là quyền sử dụng đất

Kính chào Luật sư, tôi là người gốc Việt Nam, hiện đã có quốc tịch và đang định cư bên Mỹ. Bố mẹ tôi có 3 người con, chỉ có một mình tôi hiện đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, bố mẹ tôi có một tài sản là căn nhà ở quê, do trước khi mất bố mẹ không để lại di chúc, các em của tôi không thống nhất được việc chia tài sản của bố mẹ tôi để lại. Do vậy, em tôi đang tiến hành khởi kiện tại Toà án. Cho tôi được hỏi hiện tôi đang định cư ở nước ngoài thì có được thừa kế tài sản của bố mẹ tôi để lại hay không?

 

Trả lời:

Lời đầu tiên, Công ty luật AMI xin gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, thì bạn thuộc đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008: “người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở ở nước ngoài.”

 

Tại Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 quy định về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam như sau:

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Về điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định tại Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 như sau:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có đủ điều kiện quy định tại Điều 160 của Luật này.

– Có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sau:

“…

+ Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật;”

 

Theo đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phải đảm bảo các điều kiện nêu trên.

 

Về giấy tờ chứng minh đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải có giấy tờ theo quy định sau đây:

– Trường hợp mang hộ chiếu Việt Nam thì phải còn giá trị và có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam vào hộ chiếu.

 

Đồng thời, về quyền thừa kế của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với tài sản là quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 186 Luật Đất đai năm 2013 quy định:

“3. Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam quy định nêu trên thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:

  1. Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế được đứng tên là bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
  2. Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm 3 khoản 1 Điều 179 của Luật này và phù hợp với quy định về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho.
  3. Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản uỷ quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào sổ địa chính.
  4. Trường hợp trong số những người nhận thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam còn người khác thuộc diện được nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa phân chia thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì phần thừa kế được giải quyếttheo quy định tại khoản 3 Điều này.”

 

Như vậy, điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở hoặc nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam thì trước tiên phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Đồng thời, đối tường người Việt Nam định cư ở nước ngoài chỉ được sở hữu nhà ở trong một số trường hợp đặc biệt, cụ thể: thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản); mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc các trường hợp được sở hữu nhà ở hoặc nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhưng thuộc đối tượng được hưởng thừa kế theo quy định pháp luật thì sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được quyền chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Công ty luật AMI

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online