Trang chủ / Doanh nghiệp / Người lao động tái nhiễm Covid-19 có được hưởng chế độ ốm đau của BHXH?

Người lao động tái nhiễm Covid-19 có được hưởng chế độ ốm đau của BHXH?

Tôi bị mắc Covid-19 đã được hưởng chế độ ốm đau của Bảo hiểm xã hội 7 ngày. Lần này tôi bị tái nhiễm Covid-19 và nghỉ ở nhà đến nay là 4 ngày. Cho tôi được hỏi tôi có tiếp tục được hưởng chế độ ốm đau của Bảo hiểm xã hội hay không và tôi được nghỉ tối đa bao nhiêu ngày?

 

Trả lời:

Lời đầu tiên, Công ty luật AMI xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

 

Theo quy định tại điều 25, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tan nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền của Bộ Y tế. Ngoài ra, người lao động còn được nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

Về điều kiện nghỉ ốm và thời gian nghỉ ốm được hưởng bảo hiểm xã hội được quy định cụ thể như sau:

 

  1. Điều kiện nghỉ ốm:

– Người lao động thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tại Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:

“a) Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

b) Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

c) Lao động nữ đi làm trước khi hết thi hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.”

 

Không giải quyết chế độ ốm đau đối với các trường hơp sau đây:

  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.
  • Người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép hằng năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật lao động; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

(Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc).

 

  1. Thời gian hưởng chế độ ốm đau:

– Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

– Làm việc trong điều kiện bình thường:

+ Đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm: Tối đa 30 ngày/năm.

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 – dưới 30 năm: Tối đa 40 ngày/năm.

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm: Tối đa 60 ngày/năm.

– Làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm:

+ Đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm: Tối đa 40 ngày/năm.

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 – dưới 30 năm: Tối đa 50 ngày/năm.

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 30 năm: Tối đa 70 ngày/năm.

– Trường hợp mắc bệnh thuộc danh mục chữa trị dài ngày:

+ Tối đa 180 ngày.

+ Hết 180 ngày vẫn tiếp tục điều trị thì được nghỉ thêm tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.

 (Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)

 

Hết thời gian nghỉ ốm đau, tiếp tục được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe

Người lao động đã nghỉ hết thời gian hưởng chế độ ốm đau trong một năm, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 – 10 ngày/năm, tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 29 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau như sau:

Người lao động đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại Điều 26 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày trong một năm.

Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp chưa có công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định như sau:

– Tối đa 10 ngày đối với người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày;

– Tối đa 07 ngày đối với người lao động phải phẫu thuật;

– Bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác.

Như vậy, người lao động không chỉ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau mà còn được nghỉ thêm từ 05 – 10 ngày nếu trong 30 ngày đầu quay lại làm việc mà sức khỏe chưa hồi phục.

 

Hiện nay, Luật bảo hiểm xã hội chỉ quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa trong một năm mà không giới hạn số lần hưởng. Người nghỉ việc do bị mắc Covid-19 hiện đang được hưởng chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội, do vậy, đối chiếu theo quy định nêu trên thì người bị tái nhiễm Covid-19 nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì người lao động sẽ tiếp tục được hưởng tiền bảo hiểm xã hội của chế độ ốm đau và thời gian nghỉ theo quy định nêu trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn được thực hiện bởi đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tại Công ty luật AMI. Trường hợp có vướng mắc về pháp lý cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

CÔNG TY LUẬT AMI

Địa chỉ: 50 Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online