Trang chủ / Doanh nghiệp / Người lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Người lao động là công dân nước ngoài tại Việt Nam có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?

Doanh nghiệp chúng tôi có đang sử dụng một vài lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài này đã có giấy phép lao động đầy đủ và làm việc cho chúng tôi với thời hạn 02 năm. Cho tôi được hỏi những người lao động nước ngoài đang làm việc tại doanh nghiệp chúng tôi có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc? Doanh nghiệp chúng tôi phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội cho những người lao động này hay không và đóng các loại nào?

 

Trả lời:

 

Lời đầu tiên, Công ty luật AMI xin gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có quy định: Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam”.

 

Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định nêu trên khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.

– Người lao động đã đủ tuổi nghĩ hưu theo quy định: Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi”.

(khoản 2 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP)

 

Đồng thời, tại Công văn số 1064/LĐTBXH-BHXH về việc giải đáp vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có quy định người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có đủ các điều kiện sau:

– Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp;

– Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam;

– Chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữa.

– Không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, bao gồm người lao động là nhà quản lý giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đang làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài, đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

 

Do đó, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nếu thoả mãn một số điều kiện nêu trên.

 

Về mức đóng và phương thức đóng (Điều 12, Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP):

– Đối với người lao động:

+ Từ ngày 01/12/2018 đến ngày 31/12/2021, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, người lao động nước ngoài thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng đóng 8% mức tiền lương hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

+ Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

 

– Đối với người sử dụng lao động, từ ngày 01/12/2018 đến ngày 21/12/2021, hàng hàng nười sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là 3% vào quỹ ốm đau, thai sản; 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Từ ngày 01/01/2022, hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:

+ 3% vào quỹ ốm đau và thai sản.

+ 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

+ Từ ngày 15/7/2020, Người sử dụng lao động không phải đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn, lao động nghề nghiệp kể từ ngày Nghị định 58/2020/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hiệu lực.

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Công ty luật AMI

Địa chỉ: 50 Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online