Trang chủ / Doanh nghiệp / Mức tiền bao nhiêu thì cần phải xuất hoá đơn? Chủ cửa hàng có thể nợ hoá đơn bao nhiêu ngày?

Mức tiền bao nhiêu thì cần phải xuất hoá đơn? Chủ cửa hàng có thể nợ hoá đơn bao nhiêu ngày?

Tôi có thường xuyên mua văn phòng phẩm cho Công ty tại cửa hàng bán văn phòng phẩm trên địa bàn thành phố. Vì mỗi lần mua số lượng không nhiều, khoảng 500 – 600 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi tôi yêu cầu xuất hoá đơn để đưa vào chi phí Công ty thì chủ cửa hàng bảo nợ hoá đơn hôm sau qua lấy, nhiều lần tôi lại quên, có lần tôi qua lấy lại bảo do không còn lưu nên cửa hàng không xuất hoá đơn được. Việc chủ cửa hàng nợ hoá đơn của tôi có đúng quy định pháp luật không?

 

Trả lời:

Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI (thuộc Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư số 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điều 16 Thông tư số 39/TT-BTC như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 1 Điều 16(đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC) về việc lập hoá đơn như sau:

“Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ, tiêu dùng nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất).

b) …

Trường hợp khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần, người mua không lấy hóa đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì vẫn phải lập hóa đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”

 

Như vậy, đối với những trường hợp mua hàng hoá có giá trị từ 200 nghìn đồng trở lên, người mua không lấy hoá đơn thì chủ cửa hàng vẫn có trách nhiệm lập hoá đơn.

 

Về thời điểm xuất hoá đơn thì tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 26/2015/TT-BTc quy định về lập hoá đơn như sau:

Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóathời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

Ngày lập hóa đơn đối với hoạt động cung cấp điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truyền hình thực hiện chậm nhất không quá bảy (7) ngày kế tiếp kể từ ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ hoặc ngày kết thúc kỳ quy ước đối với việc cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình. Kỳ quy ước để làm căn cứ tính lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp căn cứ thỏa thuận giữa đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, truyền hình với người mua.

Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

Trường hợp tổ chức kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng có thực hiện thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.

 

Theo đó, khi bạn mua hàng là mặt hàng văn phòng phẩm với giá trị trên 200 nghìn đồng, bạn có quyền yêu cầu chủ cửa hàng xuất hoá đơn ngay tại thời điểm chủ cửa hàng đồng ý bán, chuyển giao quyền sử dụng, sở hữu sản phẩm đó cho bạn.

Trường hợp chủ cửa hàng nợ hoá đơn, làm cho bạn chậm kê khai nộp thuế thì chủ cửa hàng có thể bị xử phạt số tiền lên đến 8 triệu đồng. Cụ thể, đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm thì có thể bị phạt tiền từ 4 triệu – 8 triệu đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hoá đơn.

Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Cụ thể:

“- Phạt cảnh cáo nếu việc lập hóa đơn không đúng thời điểm không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ. Trường hợp không có tình tiết giảm nhẹ thì phạt tiền ở mức tối thiểu của khung hình phạt.

Ví dụ: Công ty C giao hàng cho khách hàng vào ngày 01/3/2014 (căn cứ vào phiếu xuất kho của Công ty C), nhưng đến ngày 03/3/2014 Công ty C mới lập hóa đơn để giao cho khách hàng. Việc lập hóa đơn như trên là không đúng thời điểm nhưng Công ty C đã kê khai, nộp thuế trong kỳ tính thuế của tháng 3/2014 nên Công ty C bị xử phạt ở mức 4.000.000 đồng (do không có tình tiết giảm nhẹ).

– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi khác lập hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định.”

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

Công ty luật AMI

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

[Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?