Trang chủ / Tư vấn / Làm thế nào để tiến hành thủ tục ly hôn khi người nước ngoài đã về nước?

Làm thế nào để tiến hành thủ tục ly hôn khi người nước ngoài đã về nước?

Chồng tôi là người có quốc tịch Mỹ, chúng tôi đăng ký kết hôn từ năm 2015 tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau một thời gian chúng với nhau, do có nhiều vấn đề thuẫn, bất đồng quan điểm nên chúng tôi thường xuyên cãi vã, chồng tôi đã quyết định về lại bên Mỹ và không quay trở lại Việt nam. Thời gian gần đây tôi cũng đã mất liên lạc với chồng tôi, hiện tại tôi muốn làm thủ tục ly hôn với chồng tôi được hay không?  

 

Trả lời:

 

Lời đầu tiên, AMI Consulting xin gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

 

Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp ly hôn:

Tại Điều 469 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền của Toà án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài có quy định như sau: “Toà án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam”.

 

Đồng thời, tại điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thì Toà án nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình có yến tố nước ngoài.

 

Theo đó, tại điểm c khoản 1 Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định đối với trường hợp bị đơn không có nơi cư trú, làm việc, trụ sở ở Việt Nam thì nguyên đơn có thể yêu cầu Toà án nơi mình cư trú, làm việc, có trụ sở giải quyết.

 

Do vậy, đối với các tranh chấp hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, thì người muốn ly hôn sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại Toà án tỉnh nơi mình cư trú, làm việc.

 

Về việc xác định địa chỉ nơi cư trú của người nước ngoài.

Theo quy định tại Điều 473 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về việc yêu cầu cung cấp thông tin về nhân thân, xác định địa chỉ của đương sự ở nước ngoài như sau:

 

“1. Người khởi kiện, người yêu cầu phải ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài trong đơn khởi kiện, đơn yêu cầu kèm theo giấy tờ, tài liệu xác thực họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự đó.

Trường hợp không ghi đầy đủ họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài hoặc thiếu những nội dung trên thì phải bổ sung trong thời hạn do Tòa án ấn định, hết thời hạn đó mà không cung cấp được thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

  1. Trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể yêu cầu Tòa án Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự hoặc có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú hoặc yêu cầu Tòa án Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tuyên bố đương sự mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

        Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trả lời cho Tòa án Việt Nam không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài hoặc sau 06 tháng mà không có trả lời thì Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.”

 

Như vậy, trường hợp bạn có tranh chấp đơn phương ly hôn với người nước ngoài, bạn cần phải cung cấp đầy đủ được họ, tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự ở nước ngoài trong đơn khởi kiện kèm theo giấy tờ xác thực họ, tên, địa chỉ quốc tịch của đương sự đó.

 

Trường hợp không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài thì người khởi kiện có thể yêu cầu Toà án đề nghị cơ quan có thẩm quyển của nước ngoài xác định địa chỉ của đương sự.

 

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của ngước ngoài trả lời cho Toà án Việt Nam không xác định được địa chỉ của đương sự ở nước ngoài hoặc sau 06 tháng mà không có trả lời thì Toà án trả lại đơn khởi kiện.

(Căn cứ theo Điều 473 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015)

 

Về việc tham gia tố tụng tại Toà án

Trường hợp quá trình tham gia xét xử mà người nước ngoài là bị đơn trong vụ án ly hôn vắng mặt mà người này không có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc vắng mặt không phải vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khác quan, Toà án đã triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà người nước ngoài vẫn vắng mặt thì Toà án tiến hành xét xử vắng mặt (Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

  

   Về các chi phí tố tụng:

Ngoài các khoản tiền án phí, lệ phí Toà án, khi bạn đề nghị Toà án đề nghị Cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài xác định địa của đương sự ở nước ngoài thì bạn cần phải nộp tiền tạm ứng chi phí uỷ thác tư pháp ra nước ngoài.

Tiền tạm ứng chi phí uỷ thác tư pháp ra nước ngoài là số tiền cần thiết và hợp lý phải chi trả cho việc thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và của nước được yêu cầu uỷ thác tư pháp.

 

Như vậy, bạn có thể tham khảo các quy định như trên để tiến hành đảm bảo đúng theo quy định pháp luật.

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

 

Công ty luật AMI

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online