Trang chủ / Tin tức / HƯỚNG DẪN VỀ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THEO LUẬT ĐẤT ĐAI 2024

HƯỚNG DẪN VỀ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI THEO LUẬT ĐẤT ĐAI 2024

 

   Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Có những vụ việc tranh chấp rất phức tạp, kéo dài gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội và liên qaun đến chính các đương sự trong vụ việc.

 

Tại đây, AMI hướng dẫn cụ thể về các quy trình giải quyết tranh chấp Đất đai theo quy định của Luật đất đai năm 2024.

 

  1. Tranh chấp đất đai là gì?

 

Theo quy định của pháp luật tại khoản 47 Điều 3 Luật Đất đai năm 2024 thì tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Về cơ bản thì tranh chấp đất đai được chia thành 3 dạng:

  • Tranh chấp về quyền sử dụng đất;
  • Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất;
  • Tranh chấp về mục đích sử dụng đất.

 

 

  1. Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai

Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải, hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, hòa giải theo quy định của pháp luật về hòa giải thương mại hoặc cơ chế hòa giải khác theo quy định của pháp luật. Nếu như các bên không tự hoà giải được thì theo quy định pháp luật sẽ hoà giải tại cơ sở.

 

2.1 Làm thủ tục hoà giải tại cơ sở

Sau khi tiến hành hoà giải đất đai tại UBND xã theo thủ tục quy định tại điều 235 luật đất đai 2024, thì xảy ra 2 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Hoà giải thành (kết thúc tranh chấp)

Sau khi hoà giải thành, UBND ra biên bản xác nhận hoà giải thành, các bên kết thúc tranh chấp

 

Trường hợp 2: Hoà giải không thành

Khi hòa giải tại UBND cấp xã không thành, các bên tiếp tục xác định thẩm quyền giải quyết như tranh chấp theo Điều 236 Luật đất đai 2024 như sau:

2.2 Xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp

Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này thì chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp sau:

  • Theo thủ tục hành chính:

+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân do Chủ tịch UBND cấp huyện nơi có đất giải quyết.

+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết.

  • Theo thủ tục tố tụng dân sự:

Việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án được thực hiện theo quy định chung tại Bộ luật tố tụng dân sự. Theo đó, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền (Tòa án nơi có bất động sản đó).

Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp hoặc một trong các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 137 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án giải quyết.

– Người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền, thực hiện việc tạm ứng án phí và hoàn chỉnh hồ sơ, đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án. Khi Tòa án đã thụ lý giải quyết vụ án, sẽ tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.

– Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành, hết 07 ngày mà các bên đương sự không thay đổi ý kiến thì tranh chấp chính thức kết thúc.

– Nếu hòa giải không thành thì Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ngay trong quá trình xét xử, các đương sự vẫn có thể thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nếu không đồng ý các bên vẫn có quyền kháng cáo theo trình tự phúc thẩm.

  1. Cần chuẩn bị giấy tờ gì để khởi kiện tranh chấp đất đai?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

– Đơn khởi kiện theo mẫu;

– Biên bản hòa giải không thành có chứng nhận của UBND xã và có chữ ký của các bên tranh chấp;

– Giấy tờ của người khởi kiện: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng;

– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Đơn khởi kiện nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất đang tranh chấp. Trong đó, người khởi kiện nộp đơn bằng một trong các hình thức sau:

– Nộp trực tiếp tại Tòa án;

– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

  1. Về án phí khởi kiện tranh chấp đất đai thì ai là người phải chịu?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí toàn án:

  • Bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận.
  • Nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm trong trường hợp toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn không được Tòa án chấp nhận.
  • Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn được Tòa án chấp nhận.
  • Bị đơn có yêu cầu phản tố phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối vớiphần yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận. Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu phản tố của bị đơn được Tòa án chấp nhận.
  • Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận. Người có nghĩa vụ đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo phần yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận.
  • Các bên đương sự thỏa thuậnđược với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch.
  • Trường hợp các bên đương sự thỏa thuậnđược với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó. Trường hợpcác đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 3 Điều 320 của Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.
  • Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm theo quy định tại Điều này.
  • Trường hợp vụ án bị tạm đình chỉ giải quyết thì nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm được quyết định khi vụ án được tiếp tục giải quyếttheo quy định tại Điều này.
  • Nguyên đơn trong vụ án dân sự do cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích của người khác không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

 

—————————————————–

CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN AMI (AMI LAW FIRM)

– Địa chỉ: 28 Trần Quý Cáp, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

– Điện thoại: 0941.767.076

– Email: amilawfirmdn@gmail.com

– Website: https://amilawfirm.com/

– Fanpage: https://www.facebook.com/AMILawFirm

 

 

 

Bài viết liên quan