Trang chủ / Doanh nghiệp / Điều kiện xin cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?

Điều kiện xin cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao?

Với mục tiêu hướng đến năm 2025 hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố Đà Nẵng hiện đang rất khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cùng rất nhiều chính sách ưu đãi như hưởng mức ưu đãi cao nhất của quy định pháp luật về đất đai, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, được xem xét hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm, đào tạo, chuyển giao công nghệ từ kinh phí của Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao và các khoản ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (khoản 2 Điều 19 Luật công nghệ cao năm 2008).

 

Để được hưởng các chính sách ưu đãi nêu trên, các cá nhân, tổ chức sản xuất nông nghiệp ngoài đáp ứng những điều kiện theo Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn thi hành thì phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của địa phương. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để làm cơ sở hưởng các ưu đãi này.

 

Về tiêu chí xác định doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy định tại Điều 2 Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sau:

Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật công nghệ cao, cụ thể:

  1. Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển quy định tại Điều 5 của Luật công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
  2. Tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, năng suất, giá trị và hiệu quả cao, doanh thu từ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của doanh nghiệp đạt ít nhất 60% trong tổng số doanh thu thuần hàng năm.
  3. Có hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng công nghệ cao, chuyển giao công nghệ để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đạt ít nhất 0,5%; số lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đạt ít nhất 2,5%.
  4. Áp dụng các biện pháp thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc tế.”

 

Theo đó, Nhà đầu tư (gồm các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch) hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng được áp dụng đối với: “lĩnh vực trồng trọt (rau, hoa, cây ăn quả); sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; chăn nuôi; trồng cây dược liệu; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn” (khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND về quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng).

 

Nhà đầu tư để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ chính sách này phải đảm bảo các điều kiện chung theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết 104/2017/NQ-HDND như sau:

“1. Sản xuất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sản xuất nông nghiệp của UBND thành phố Đà Nẵng và UBND các quận, huyện.

(Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 13/04/2017 về việc phê duyệt địa điểm quy hoặc vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có quy định danh mục địa điểm vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo đó, thành phố đã phê duyệt quy hoạch 7 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh, xã Hòa Phú; vùng chăn nuôi tập trung tại xã Hoà Khương, xã Hoà Bắc; Vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hoà Khương, xã Hoà Phong; Vùng nuôi tôm Trường Định, xã Hoà Liên).

  1. Phải tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường theo danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn.
  2. Đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo các quy định của pháp luật hiện hành.
  3. Ngoài điều kiện chung được quy định nêu trên, tùy theo nội dung ưu đãi, hỗ trợ mà còn có điều kiện cụ thể khác được quy định tại các nội dung ưu đãi, hỗ trợ.”

 

Về thẩm quyền công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Điều 3 Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg):

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

– Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận của doanh nghiệp và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

 

Về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Điều 4 Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg):

1. Tổ chức, cá nhân lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.

2. Hồ sơ được lập thành 02 bộ, bao gồm:

a) Văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ doanh nghiệp đã được cấp;

c) Bản thuyết minh doanh nghiệp đáp ứng đủ các tiêu chí quy định tại Điều 2 theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này; các minh chứng cho các nội dung thuyết minh gồm: Bản sao báo cáo Tài chính của doanh nghiệp 02 năm liền kề trước khi đề nghị công nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; bản sao các hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, mua vật tư thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ, sản phẩm… của Doanh nghiệp; bản sao hợp đồng lao động, bằng cấp của lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên đang trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển tại doanh nghiệp; bản sao Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn còn hiệu lực của sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất; bản sao văn bản minh chứng về bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền cấp.

3, Trình tự, thủ tục thẩm định, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ, quyết định thành lập Tổ thẩm định hồ sơ công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao (sau đây gọi tắt là Tổ thẩm định) đối với các hồ sơ hợp lệ hoặc có văn bản thông báo cho doanh nghiệp về việc hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ; thời gian doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời gian thẩm định. Thành phần Tổ thẩm định có từ 7 đến 9 thành viên, gồm: Tổ trưởng là đại diện lãnh đạo và 01 thư ký là chuyên viên thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các thành viên khác gồm đại diện các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; ngoài ra có thể mời thêm một số chuyên gia có liên quan.

b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc sau khi có quyết định thành lập, Tổ thẩm định tiến hành họp thẩm định hồ sơ khi có ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt. Tổ thẩm định có trách nhiệm đánh giá hồ sơ do doanh nghiệp lập về tính đầy đủ, chính xác, đáp ứng các điều kiện theo quy định; lập biên bản họp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày họp, trên cơ sở kết quả họp Tổ thẩm định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

d) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được kết quả tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quyết định cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và gửi cho doanh nghiệp, trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

đ) Kinh phí họp Tổ thẩm định lấy từ ngân sách của địa phương, mức chi theo quy định hiện hành.

 

Hiệu lực Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: 5 năm kể từ ngày cấp (Điều 5 Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg).

Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là căn cứ để doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật công nghệ cao và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

 

Trên đây là toàn bộ những nội dung nghiên cứu sơ bộ của Công ty Luật AMI liên quan đến việc những tiêu chí và điều kiện để được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trường hợp cần được tư vấn hỗ trợ thêm, vui lòng liên hệ Công ty Luật AMI tại địa chỉ:

Công ty Luật Ami

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

[Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?