Trang chủ / Doanh nghiệp / ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

ĐIỀU KIỆN VÀ THỦ TỤC THÀNH LẬP VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Tình huống pháp lý: Công ty của tôi là công ty dịch vụ kiến trúc, được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Úc. Hiện nay, chúng tôi có kế hoạch thành lập một văn phòng đại diện tại Việt Nam để nhằm mục đích văn phòng liên lạc và nghiên cứu trị trường. Mong Luật sư tư vấn giúp tôi liệu Công ty tôi có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam không? Nếu có thì cần đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục như thế nào?

Trả lời:

  1. Điều kiện thành lập Văn phòng đại diện của Thương nhân nước ngoài tại Việt Nam

Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP thì để được cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

(1) Thương nhân nước ngoài phải được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;

(2) Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 01 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;

(3) Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của Thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;

(4) Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện phải phù hợp với cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

(5) Trường hợp nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Văn phòng đại diện phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành (sau đây gọi chung là Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành).

Thứ hai, theo nội dung tại Biểu cam kết WTO, cụ thể tại Mục I Cam kết chung có quy định:

“…

Các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, nhưng các văn phòng đại diện không được tham gia vào các hoạt động sinh lợi trực tiếp.

…”

Trong đó, đối với “Dịch vụ kiến trúc (CPC 8671)” không hạn chế tiếp cận thị trường ngoại trừ:

“Trong vòng 2 năm kể từ ngày gia nhập, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Doanh nghiệp của quý khách hàng phải là pháp nhân của một Thành viên WTO.”

 Ngoài ra, Úc đã là thành viên của WTO kể từ ngày 01/01/1995, do đó trường hợp doanh nghiệp là thương nhân được thành lập và hoạt động theo pháp luật của Úc sẽ được phép thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện (2), (3), (4) và (5) nêu trên.

 

  1. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Căn cứ theo quy định tại Điều 11 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, trình tự, thủ tục đăng ký thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định của pháp luật trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Cơ quan cấp Giấy phép nơi dự kiến đặt Văn phòng đại diện.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.

Trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

Bước 3: Lấy ý kiến của Bộ Quản lý chuyên ngành (nếu chưa có văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành)

Trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 07/2016/NĐ-CP và trường hợp việc thành lập Văn phòng đại diện chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 4: Bộ Quản lý chuyên ngành trả kết quả (nếu có)

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến của Cơ quan cấp Giấy phép, Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý cấp phép thành lập Văn phòng đại diện.

Bước 5: Cấp giấy phép

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp không cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.

  1. Hồ sơ đăng ký thành lập Văn phòng đại diện cho thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện theo mẫu của Bộ Công Thương (Mẫu MĐ-1 Thông tư 07/2016/TT-BCT) do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;

(2) Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài;

(3) Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Văn phòng đại diện;

(4) Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc giấy tờ có giá trị tương đương do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thương nhân nước ngoài thành lập cấp hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của thương nhân nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;

(5) Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Văn phòng đại diện;

(6) Tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện bao gồm:

– Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Văn phòng đại diện;

– Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Văn phòng đại diện theo quy định tại Điều 28 Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.

 

—————————————————————————————-

Trên đây là toàn bộ ý kiến tư vấn của Công ty Luật TNHH MTV AMI đối với yêu cầu tư vấn của Quý khách hàng. Chúng tôi rất hân hạnh được hỗ trợ pháp lý cho Quý khách hàng trong các giai đoạn tiếp theo.

Trong trường hợp có vấn đề cần giải đáp liên quan đến nội dung tư vấn trên, Quý Khách hàng có thể liên hệ Luật sư Nguyễn Viết Hưng (SĐT: 0905 466 113) để được hỗ trợ tốt nhất./.

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?