Trang chủ / Tin tức / Di sản chuyển thành tài sản chung

Di sản chuyển thành tài sản chung


CHU XUÂN MINH (Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) – Quy định về trường hợp di sản chuyển thành tài sản chung để không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã bị hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau trong thời gian khá dài, mặc dù đã có giải thích tại các lớp tập huấn nghiệp vụ và cả ở các hội nghị tổng kết công tác Tòa án.

 

1.Quy định của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán về di sản chuyển thành tài sản chung

 

Quy định về trường hợp di sản chuyển thành tài sản chung để không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã bị hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau trong thời gian khá dài, mặc dù đã có giải thích tại các lớp tập huấn nghiệp vụ và cả ở các hội nghị tổng kết công tác Tòa án.

 

Tại điểm a Tiểu mục 2.4 Phần I của Nghị quyết quy định là: “Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung…”.

 

Loại hiểu sai thứ nhất là cho rằng hết thời hiệu chia thừa kế thì vẫn chia nhưng gọi là chia tài sản chung. Thực tế quy định của Nghị quyết là không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế vì không còn là vụ án chia thừa kế mà xác định đó là vụ án chia tài sản chung để áp dụng các quy định về chia tài sản chung. Hậu quả của việc hiểu sai này là không xem xét đến các quy định về chia tài sản chung như về thời hiệu khởi kiện chia tài sản chung, về điều kiện khởi kiện chia tài sản chung…

 

Loại hiểu sai thứ hai là hiểu sai về quy định “sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia”. Một số Tòa án cho rằng cứ thừa nhận nguồn gốc tài sản tranh chấp do cha mẹ để lại là thỏa mãn điều kiện “thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia”. Một số Tòa án lại cho rằng sự “thừa nhận” đó phải là vừa thừa nhận nguồn gốc tài sản vừa thừa nhận là “chưa chia” nhưng không bao gồm bị đơn vì nếu bao gồm bị đơn thì tình huống này không tồn tại trên thực tế. Hậu quả của việc hiểu sai thứ hai này là quy định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế (Điều 648 BLDS năm 1995) bị xóa bỏ; các vụ án chia thừa kế đã hết thời hiệu khởi kiện đều được chuyển sang chia tài sản chung vì trong thực tế, nguyên đơn và những người thừa kế khác thường thống nhất ý kiến với nhau, chỉ có bị đơn là có ý kiến khác.

 

Để hiểu đúng trường hợp di sản chuyển thành tài sản chung quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP nêu trên (là những trường hợp không điển hình), cần phải nghiên cứu trường hợp điển hình về di sản chuyển thành tài sản chung.

 

2.Trường hợp điển hình về di sản chuyển thành tài sản chung

 

Di sản cũng là tài sản chung nhưng là tài sản chung đặc biệt. Tính đặc biệt ấy thể hiện ở một số điểm sau:

– Tài sản chung thường được hình thành theo ý chí của các đồng chủ sở hữu, còn di sản hình thành từ sự kiện mở thừa kế của người có quan hệ thừa kế với các đồng thừa kế, không phụ thuộc vào ý chí của các đồng thừa kế. Người cha chết thì phát sinh quyền thừa kế của các con với tài sản của người cha để lại, không phụ thuộc vào mong muốn của các con.

– Do việc thụ động trở thành đồng thừa kế nên việc quản lý di sản thừa kế cũng thụ động, không quản lý chủ động như các chủ sở hữu chung với tài sản chung.

– Các đồng thừa kế còn có quyền từ chối không nhận di sản vì còn liên quan đến các nghĩa vụ tài sản.

– Các đồng thừa kế là các chủ sở hữu chung có quan hệ thân thích đặc biệt nên thời hiệu khởi kiện giành cho quan hệ thừa kế dài hơn các quan hệ tranh chấp tài sản chung khác.

– Quyền thừa kế là quyền phát sinh thụ động, còn mang tính tạm thời, sẽ lại mất quyền sau một thời hạn nhất định (hết thời hiệu khởi kiện) chứ không tồn tại ổn định như quyền sở hữu chung.

Di sản là một loại tài sản chung đặc biệt và thường được chuyển thành tài sản chung thông thường. Có thể ví dụ về một trường hợp điển hình về chuyển di sản thành tài sản chung như sau:

Ông A là chủ sở hữu ngôi nhà N. Nhà này là tài sản riêng của ông A. Vợ chồng ông A bà B có 3 người con là X, Y, Z. Ngày 15/01/2002, ông A chết. Ngày 10/5/2003, bà B cùng 3 người con làm thủ tục đăng ký thừa kế. Ngày 15/6/2003, bà B cùng 3 người con được cấp giấy chúng nhận quyền sở hữu ngôi nhà N. Như vậy, từ ngày 15/6/2003, ngôi nhà N đã chuyển từ di sản của ông A thành tài sản chung của bà B và 3 con. Sau ngày 15/6/2003, nếu bà B và các con có tranh chấp về ngôi nhà này thì là vụ án tranh chấp tài sản chung chứ không còn là tranh chấp thừa kế. Và đương nhiên không thể áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế cũng như các quy định của pháp luật thừa kế nữa.

 

Đó là trường hợp di sản chuyển thành tài sản chung điển hình, có sự thống nhất ý chí của các đồng thừa kế với chứng nhận của cấp có thẩm quyền. Trong thực tế còn có nhiều hình thức chuyển di sản thành tài sản chung. Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP đã quy định về 2 trường hợp được coi là chuyển di sản thành tài sản chung, cụ thể là:

 

– Trường hợp 1: Trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế thì di sản đó chuyển thành tài sản chung. Như vậy, đây là trường hợp các đồng thừa kế có văn bản xác nhận họ là chủ sở hữu chung đối với tài sản (chỉ có họ là đồng thừa kế), và văn bản này phải được lập trong thời hạn khởi kiện về quyền thừa kế. Có đủ điều kiện nêu trên thì kể từ ngày ký văn bản, di sản chuyển thành tài sản chung, không đòi hỏi phải có xác nhận của cấp có thẩm quyền hay sang tên chủ sở hữu tài sản. Quy định này là để khắc phục cho thực tế các quy định về thủ tục khai nhận thừa kế, đăng ký tài sản còn chưa dễ dàng cho người dân tiếp cận.

 

– Trường hợp 2: Sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Đây là trường hợp không có văn bản nhưng khi xảy ra tranh chấp thì tất cả đương sự đều thừa nhận là tài sản chung, họ chỉ yêu cầu chia tài sản chung chứ không tranh chấp về tính chất của tài sản. Họ đã đều thừa nhận là tài sản chung thì việc xem xét có phải tài sản chung hay không là không cần thiết hoặc cho rằng hết thời hiệu chia thừa kế để không giải quyết là vô lý.

 

3. Một số vấn đề cần lưu ý về di sản chuyển thành tài sản chung

 

3.1.Có cần quy định về việc chuyển di sản thành tài sản chung?

Những phân tích ở các phần trên cho thấy giao dịch chuyển di sản thành tài sản chung là giao dịch thông thường, phổ biến. Di sản có thể được chia thành tài sản riêng có thể chuyển thành tài sản chung dưới nhiều hình thức. Ngoài hình thức điển hình được lập thành văn bản, có sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền như nêu ở trên thì còn nhiều hình thức khác. Vì vậy, vấn đề di sản chuyển thành tài sản chung là vấn đề tồn tại thường xuyên và vĩnh cửu cũng như sự xuất hiện của di sản chứ không phải là vấn đề chỉ được quy định trong Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP.

Khi di sản chuyển thành tài sản chung thì hậu quả pháp lý sẽ khác. Khi không còn là di sản thì tranh chấp về tài sản ấy không còn là vụ án thừa kế, không thể áp dụng thời hiệu khởi kiện về thừa kế cũng như các quy định khác về thừa kế. Nhận biết thời điểm chuyển từ di sản thành tài sản chung có ý nghĩa pháp lý quan trọng. Trong các Bộ luật dân sự mới chỉ có quy định về phân chia di sản, tức là quy định việc chuyển di sản thành tài sản riêng mà chưa có quy định cụ thể việc chuyển di sản thành tài sản chung. Do đó, cần phải có các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật, Tòa án cần có các văn bản pháp quy hướng dẫn áp dụng pháp luật về vấn đề chuyển di sản thành tài sản chung.

 

3.2.Về những vấn đề đã quy định tại Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP

Hai trường hợp quy định trong Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP là hai trường hợp không điển hình của việc chuyển di sản thành tài sản chung. Tuy nhiên, căn cứ thực tiễn thi hành pháp luật, Hội đồng Thẩm phán thấy cần công nhận hai trường hợp này là trường hợp di sản đã chuyển thành tài sản chung.

Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP là văn bản pháp quy hướng dẫn áp dụng BLDS năm 1995 và thực tiễn xét xử thì Nghị quyết này cũng áp dụng cho thời kỳ thi hành BLDS năm 2005. Tuy nhiên, quy định về thừa kế trong BLDS năm 2015 có những thay đổi lớn so với BLDS năm 2005 và BLDS năm 1995. Vì vậy, quy định về chuyển di sản thành tài sản chung của Nghị quyết này không còn hiệu lực áp dụng cho giai đoạn thi hành BLDS năm 2015.

Tuy Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP không còn hiệu lực áp dụng từ 01/01/2017 nhưng những giao dịch trước 01/7/2017 thực hiện theo quy định của nghị quyết này vẫn là hợp pháp và phải được công nhận.

Ví dụ: Ông X chết ngày 01/5/2003 để lại di sản là ngôi nhà số 1. Ngày 01/5/2006, ba người con của ông X là M, N, L lập văn bản xác định họ là đồng thừa kế ngôi nhà số 1. Năm 2018, một người con của ông là anh M khởi kiện chia ngôi nhà số 1. Trường hợp này phải xác định là vụ án chia tài sản chung vì di sàn đã chuyển thành tài sản chung từ thời điểm 01/5/2006 phù hợp với quy định của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP.

Còn đối với trường hợp 2 của Nghị quyết nêu trên thì cần phải hiểu đúng với quy định là tuy không có văn bản nhưng nay tất cả các thừa kế đều thừa nhận đó là tài sản chung. Và đã thuộc trường hợp này thì dù sau ngày 01/01/2017 mới khởi kiện vẫn phải coi là đã chuyển thành tài sản chung từ thời điểm mở thừa kế.

 

3.3.Về những lưu ý khác

Trong thời kỳ thi hành BLDS năm 2015, cần có hướng dẫn mới về áp dụng pháp luật đối với vấn đề chuyển di sản thành tài sản chung. Ngoài việc cân nhắc có quy định lại hai trường hợp nêu trong Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP hay không thì cũng cần quy định rõ việc chuyển thành tài sản chung đối với từng loại di sản như nhà ở, quyền sử dụng đất, cổ phần trong doanh nghiệp, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, động sản không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp…

Trong khi chưa có hướng dẫn khác thì cần căn cứ vào quy định của pháp luật về thời điểm chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng, hoặc căn cứ vào công chứng, chứng thực của cấp có thẩm quyền đế xác định về ý chí chung của các đồng thừa kế chuyển thành tài sản chung.

 

4.Về di sản hết thời hiệu khởi kiện về chia thừa kế

 

4.1. Quy định của BLDS năm 2015

BLDS năm 2015 có những quy định mới quan trọng về thời hiệu thừa kế, trong đó có quy định kéo dài thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đối với bất động sản là 30 năm (trước đây là 10 năm) và quy định di sản thuộc về ai khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản.

Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định khi hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thì “di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”. Quy định này có một số nội dung cần làm rõ và thống nhất áp dụng, đó là:

-Người thừa kế: Người thừa kế quy định ở đây có phải là tất cả những người thừa kế theo pháp luật (Điều 651); có bao gồm người thừa kế thế vị, thừa kế chuyển tiếp; người thừa kế theo di chúc?Tác giả bài viết này cho rằng cần phải hiểu “người thừa kế” quy định ở đây là người mà nếu chia thừa kế thì họ là một chủ thể được chia trong vụ án cụ thể ấy.

Ví dụ: Ông A chết 15/2/2008, trong số di sản của ông A có chiếc xe ô tô Camry. Chiếc ô tô này do ông B là em ruột ông A trực tiếp sử dụng. Tới thời điểm 15/2/2018 là hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đối với chiếc xe Camry (thời hạn 10 năm đối với di sản là bất động sản). Nếu ở thời điểm 15/2/2018, ông A không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất (cha, mẹ, vợ, con) thì ông B là người thừa kế đang quản lý xe sẽ trở thành chủ sở hữu xe. Nếu còn người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông A ( kể cả là thừa kế thế vị, thừa kế chuyển tiếp của người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất), hay còn người thừa kế theo di chúc thì ông B không phải là đối tượng quy định ở khoản 1 Điều 623 để trở thành chủ xe.

– Đang quản lý di sản: Cần phân biệt người “đang quản lý di sản” quy định ở khoản 1 Điều 623 không phải là “người quản lý di sản” chung với toàn bộ di sản quy định tại Điều 616 BLDS. Đang quản lý tài sản là trực tiếp quản lý tài sản ở thời điểm hết thời hiệu yêu cầu chia di sản. Cũng cần phải hiểu quản lý không đòi hỏi phải trực tiếp sử dụng, họ có thể cho người khác thuê, mượn thì họ vẫn là người “đang quản lý”. Tuy nhiên, cần loại trừ những trường hợp cố tình chiếm quyền quản lý vào thời điểm hết thời hiệu khởi kiện để giành quyền sở hữu di sản hết thời hiệu chia một cách không ngay thẳng.

 

4.2.Những quy định không tính vào thời hiệu của pháp luật trước 01/01/2017 có còn hiệu lực không?

 

Quy định mới về việc xác lập quyền tài sản cho người quản lý di sản hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế đặt ra vấn đề là phải thống nhất cách tính thời hiệu.

Theo quy định tại Nghị quyết số 103/2015/QH13 về việc thi hành BLTTDS năm 2015 thì: “Các tranh chấp… phát sinh trước ngày 01/01/2017 thì áp dụng quy định về thời hiệu tại Điều 159 và điểm h khoản 1 Điều 192 của BLTTDS số 24/2004/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật 05/2011/QH12”. Theo quy định của khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 thì: “Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì… Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này (Điểm d)”. Như vậy, quy định của BLDS năm 2015 khác với quy định của Nghị quyết 103/2015/QH13. Tuy nhiên, BLDS năm 2015 có hiệu lực sau nên có giá trị thay thế Nghị quyết 103/2015/QH13. Do đó, tại Giải đáp số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016, TANDTC đã hướng dẫn áp dụng quy định mới về thời hiệu (các quy định về thời hiệu của BLDS năm 2015) cho cả các trường hợp thừa kế mở trước 01/01/2017. TANDTC cũng hướng dẫn xác định thời điểm bắt đầu của thời hiệu đối với thừa kế mở trước khi Pháp lệnh Thừa kế có hiệu lực là 10/9/1990.

Với quy định hiện hành như nêu ở trên thì các Tòa án phải áp dụng hoàn toàn các quy định về thời hiệu của BLDS năm 2015, trừ quy định về trường hợp tính thời hiệu từ 10/9/1990. Tòa án không áp dụng các quy định về thời hiệu khác với quy định của BLDS năm 2015 cũng có nghĩa là những quy định về thời gian được trừ không tính vào thời hiệu của Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 (từ 01/7/1996 đến 01/01/1999), của Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 (từ 01/7/1996 đến 01/9/2006) không được áp dụng nữa (từ 01/01/2017).

 

4.3. Giải quyết việc tranh chấp có phần di sản hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế

 

Trước BLDS năm 2015, chưa có quy định về phần di sản hết thời hiệu chia thừa kế thuộc về ai, Tòa án lại không được giải quyết về quan hệ tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện nên việc xử lý phần di sản hết thời hiệu khởi kiện có nhiều vướng mắc. Đặc biệt là đối với bất động sản, thường là tài sản chung của vợ chồng, và phần di sản của một bên vợ hoặc chồng đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế. Cách giải quyết trước đây thường là Tòa án chỉ tính giá trị phần di sản còn thời hiệu chia, tính giá trị kỷ phần được chia, chia hiện vật theo giá trị kỷ phần và không có quyết định gì với phần hiện vật còn lại.

BLDS năm 2015 đã có quy định về phần di sản hết thời hiệu yêu cầu chia sẽ thuộc về ai (về người thừa kế, người chiếm hữu ngay tình, hay thuộc Nhà nước). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng theo Điều 5 BLTTDS năm 2015 thì “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó” nên nếu không có yêu cầu thì Tòa án cũng không được giải quyết về phần di sản hết thời hiệu. Tác giả bài viết này cho rằng khi đã có yêu cầu chia thừa kế thì phần di sản hết thời hiệu yêu cầu chia cũng là phần có liên quan, Tòa án có quyền giải quyết và cần phải được giải quyết cùng với việc chia thừa kế.

Nguồn: Tạp chí Tòa án

https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/di-san-chuyen-thanh-tai-san-chung?fbclid=IwAR2wZR8GbHxPaAQwh1RS7-iC0W0HeqFQCEH1Jvvgx3ZrA4BoqDm0sLJ9ErM


Công ty luật Ami

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?