Chào Luật sư, trước đây, tôi và một vài người có góp vốn bằng tiền mặt để thành lập Công ty cổ phần, tuy nhiên, sau một thời gian chưa được một năm, do việc làm ăn kinh doanh không thuận lợi, chúng tôi cảm thấy không hợp trong chuyện làm ăn nên giờ tôi muốn rút vốn ra khỏi Công ty có được không?
Trả lời:
Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, liên quan đến yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về nghĩa vụ của cổ đông phổ thông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại.
Như vậy, bạn chỉ có thể rút vốn bằng cách yêu cầu Công ty mua lại cổ phần của mình hoặc chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông khác trong công ty hoặc cho người khác không phải là cổ đông trong công ty.
Trường hợp bạn rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái quy định nêu trên thì bạn và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.
Về việc chuyển nhượng cổ phần được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định:“Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này”.
Tại khoản 3 Đều 119 luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập như sau:
“Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó”
Và tại khoản 1 Điều 126 luật Doanh nghiệp 2014 quy định về việc chuyển nhượng cổ phần như sau:
“Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng”.
Như vậy, do việc bạn góp vốn thành lập công ty cổ phần chưa được 01 năm, bạn là cổ đông sáng lập của công ty nên bạn chỉ có thể chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 03 năm kể từ này Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp..
Về thủ tục để mua lại số cổ phần được quy định như sau:
* Công ty mua lại cổ phần
“Điều 129. Mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông
- Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình. Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại. Yêu cầu phải được gửi đến công ty trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này.
- Công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông quy định tại khoản 1 Điều này với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá chuyên nghiệp để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.”
* Người khác mua lại cổ phần:
Trường hợp cổ phần được người khác mua lại được hiểu là chuyển nhượng lại cổ phần cho người khác. Tại khoản 1, 2 Điều số 126 Luật Doanh nghiệp 2014 có quy định về việc chuyển nhượng cổ phần như sau:
“1. Cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này và Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần. Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc đại diện ủy quyền của họ ký. Trường hợp chuyển nhượng thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán, trình tự, thủ tục và việc ghi nhận sở hữu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán”.
Theo LS. Việt Vương – Công ty Luật AMI
Công ty Luật Ami
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com
Website: amilawfirm.com