Chúng tôi yêu nhau và chung sống với nhau đến nay là 07 năm, vì một số lý do nên chúng tôi vẫn chưa đi đăng ký kết hôn. Chúng tôi đã có một đứa con chung, nay cháu đã trên 04 tuổi. Hiện nay, do bất đồng về nhiều mặt nên chúng tôi không muốn chung sống chung với nhau nữa. Vợ tôi không có nghề nghiệp ổn định, do vậy tôi lo lắng rắng nếu như chia tay, vợ tôi sẽ không chăm sóc tốt được cho con của tôi, do vậy, tôi muốn được hợp pháp quyền được nuôi dưỡng cháu. Hiện tại tôi nên làm như thế nào để có quyền được nuôi dưỡng cháu.
Trả lời:
Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI (thuộc Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:
Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành thì việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc các bạn chưa đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân của các bạn sẽ không được pháp luật thừa nhận. Trường hợp các bạn đã về chung sống với nhau sẽ được xem là chung sống như vợ chồng, cụ thể được quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014: “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”.
Hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ được giải quyết giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cụ thể như sau: “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
Theo đó, tại Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.
Như vậy, trường hợp các bạn chung sống với nhau như vợ chồng mà có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ đối với con sẽ được giải quyết theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Tức là các bạn có con chung thì quyền và nghĩa vụ của các bạn đối với con cái sẽ giống như khi có đăng ký kết hôn.
Theo đó, quyền nuôi con sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình như sau:
– Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Theo như thông tin bạn cung cấp thì con của bạn trên 04 tuổi, nhưng “vợ” không có khả năng chăm sóc tốt cho cháu về mọi mặt và bạn muốn giành quyền nuôi con. Trước tiên, để giành được quyền nuôi con, bạn cần phải cung cấp các bằng chứng chứng minh đây là con của bạn. Trường hợp bạn và vợ bạn không thống nhất với nhau về việc này thì bạn có quyền yêu cầu Toà án công nhận cha, con cho bạn. Cụ thể, tại khoản 10 Điều 29 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có quy định Toà án nhân nhân có thẩm quyền giải quyết: “Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 101 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật này”.
Như vậy, trong trường hợp có tranh chấp trong việc xác định cha, mẹ, con thì bạn có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền công nhận cha, con.
Sau khi Toà án đã có quyết định công nhận cha con, bạn có quyền làm Đơn gửi đến Toà án nhân dân có thẩm quyền tranh chấp quyền nuôi con với “vợ” của bạn tương tự tranh chấp về quyền nuôi con trong trường hợp ly hôn theo Luật hôn nhân và gia đình 2014. Lúc này, Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên trực tiếp chăm sóc căn cứ vào quyền lợi trực tiếp của con.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com
Website: amilawfirm.com