Theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP thì pháp luật quy định đối với trường hợp sống chung như vợ chồng như sau:
[1] Như thế nào là nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng?
Theo Khoản 7 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.
Để được coi là nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng thì đầu tiên phải đáp ứng đủ các điều kiện để kết hôn theo quy định. Ngoài ra còn phải đáp ứng một trong 04 trường hợp sau đây:
– Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau.
– Việc họ về chung sống với nhau được gia đình (một bên hoặc cả hai bên) chấp nhận;
– Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến;
– Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
Thời điểm nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng là ngày họ tổ chức lễ cưới hoặc ngày họ về chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận hoặc ngày họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến hoặc ngày họ thực sự bắt đầu chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình.
[2] Khi nào thì nam, nữ chung sống với nhau được công nhận là vợ chồng?
[2.1] Trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực):
Pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng giữa các bên. Nếu sau thời điểm 03/01/1987 họ mới đăng ký kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ vẫn được công nhận kể từ ngày bắt đầu sống chung với nhau như vợ chồng.
[2.2] Trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 (ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực):
Pháp luật buộc họ có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong vòng 02 năm kể từ ngày 01/01/2001 cho đến ngày 01/01/2003.
Nếu họ đăng ký kết hôn trước 01/01/2003 hoặc có yêu cầu ly hôn trước 01/01/2003 thì Tòa án vẫn công nhận họ là vợ chồng và giải quyết ly hôn theo thủ tục chung. Trong trường hợp này, quan hệ vợ chồng của họ được xác lập kể từ ngày bắt đầu sống chung với nhau như vợ chồng.
Kể từ sau ngày 01/01/2003 họ mới đăng ký kết hôn và sau đó có yêu cầu ly hôn thì Tòa án vẫn giải quyết ly hôn theo thủ tục chung, tuy nhiên quan hệ vợ chồng của họ được xác lập kể từ thời điểm đăng ký kết hôn.
[2.3] Đối với trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn thì họ không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
[3] Nguyên tắc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn.
Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Tính chất pháp lý của việc chia tài sản chung khi không được công nhận là vợ chồng khác so với trường hợp chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (được coi là vợ chồng). Ami Law Firm tổng hợp các Bản án liên quan về chia tài sản chung khi không công nhận quan hệ vợ chồng làm tư liệu nghiên cứu, tham khảo.
Đất đứng tên vợ; chồng không chứng minh được nguồn gốc tài sản là cùng nhau đóng góp nên không phải tài sản chung
Sơ lược nội dung: Anh C kháng cáo, nhưng không cung cấp được căn cứ chứng minh nguồn gốc tài sản trên của anh đóng góp, cùng nhau tạo lập nên với chị T. Các tài sản anh C tranh chấp với chị T anh C cũng không được xác lập quyền cùng sở hữu chung với chị T theo quy định tại Điều 214 , 215 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 208, 212 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tải về:
Bản án số 41/2018/PT
Tài sản tạo lâp sau khi ly hôn đứng tên 1 mình chồng nhưng nguồn gốc có vợ đóng góp. Xác định là tài sản chung
Sơ lược nội dung: Sau khi nhận chuyển nhượng ông N và bà T đã xây dựng lên một ngôi nhà 03 tầng cùng các công trình xây dựng trên đất. Quá trình ông N và bà T xây dựng ngôi nhà, chính quyền địa phương và hàng xóm đều chứng kiến. Sau khi xây nhà ông N và bà T cùng con cái đã ăn ở, sinh hoạt tại đây mấy năm. Sau đó ông N có quan hệ với người phụ nữa khác mới bỏ đi. Hiện nay thửa đất và ngôi nhà nêu trên vẫn do bà Phạm Thị T quản lý, sử dụng. Vì vậy ngôi nhà 03 tầng cùng các công trình xây dựng trên thửa đất chính là khối tài sản chung….
Tải về
Nhà xây cải tạo từ nhà cũ, ở chung với mẹ chồng. Tài sản được xác định là của chung 3 người
Sơ lược nội dung: Anh Bùi Văn B và chị Phạm Thị L chung sống với nhau như vợ chồng tại nhà bà Nguyễn Thị N từ năm 1993. Quá trình chung sống, anh B và chị L đã sửa chữa, xây dựng lại ngôi nhà cũ của bà N bị hư hỏng trở thành ngôi nhà cấp bốn 03 gian và nhà bếp 02 gian như hiện nay. Do vậy nhà ở và nhà bếp hiện nay gia đình bà N, anh Bình, chị L đang sử dụng là tài sản chung của cả 03 người. Anh B kháng cáo cho ngôi nhà và bếp này là tài sản riêng của bà N nhưng không chứng minh được nên không có căn cứ để chấp nhận.
Tải về
Bản án số 20/2018/PT
Nhà và đất được giao cho vợ trước thời điểm tổ chức lễ cưới. Là tài sản riêng
Sơ lược nội dung: Bà Nguyễn Thị D nguyên là cán bộ Cung Văn hóa thiếu nhi Hải Phòng khai: Năm 1991, bà D được Cung Văn hóa thiếu nhi tạm giao cho quản lý nhà số 5/55 đường Lạch Tray. Đến tháng 7/1992, Bà Vũ Thị L được Cung Văn hóa thiếu nhi tạm giao cho Bà Vũ Thị L quản lý nhà số 6/55 đường Lạch Tray. Do đó, đủ căn cứ xác định tài sản diện tích đất và nhà tại Số 6/55 đường LT, phường LT, quận NQ, thành phố Hải Phòng được Cung Văn hóa thiếu nhi Hải Phòng giao cho một mình bà L trực tiếp quản lý vào ngày 19/7/1992, trước thời điểm bà L và ông G tổ chức lễ cưới, không phải được giao cho cả ông G và bà L như lời trình bày của ông G.
Tải về
Bản án số 40/2018/PT
Đất cấp cho hộ gia đình, vợ sống chung với gia đình chồng. Được hưởng khoản công sức tôn tạo
Sơ lược nội dung: Tuy nhiên, bà M trình bày tổng số tiền làm nhà năm 2004 hết 90 triệu đồng thì cụ N, cụ C cho 20 triệu đồng nên phải xác định đây là khoản tiền đóng góp riêng của ông T trong khối tài sản chung. Số tiền còn lại là 70 triệu đồng các bên đều không chứng minh được mỗi người đã bỏ ra bao nhiêu tiền nên xác định ông T và bà M mỗi người đóng góp ½ số tiền đó. Bà M chung sống cùng với gia đình ông T từ năm 1991 đến năm 2014 mới ly thân nên ít nhiều cũng có công sức trong việc cùng gia đình ông T quản lý, duy trì, tôn tạo tài sản và lo liệu các công việc khác của gia đình. Mặc dù quan hệ hôn nhân giữa bà M và ông T không được pháp luật công nhận, nhưng khoản 2 Điều 16 của Luật hôn nhân quy định: “Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có Thu nhập”. Do đó, Tòa án cấp sơ Tẩm áng trích công sức cho bà M 60 triệu đồng công sức là phù hợp.
Tải về
Bản án số 08/2018/PT
Nợ trong quá trình chung sống để chữa bệnh cho con, lo chi phí học hành. Được xác định là nợ chung
Sơ lược nội dung: Xét thấy, việc bà C vay tiền bà L sử dụng vào công việc chung của gia đình như chữa bệnh cho con, chi phí cho con học hành, mua thuốc diệt cỏ, mua phân bón cho cây trồng … là những chi phí thiết yếu của gia đình trong thời gian bà C và ông N đang sống chung. Đồng thời ông N có biết việc bà C vay tiền bà L nhưng không rõ số tiền vay cụ thể bao nhiêu (Bút lục số 26). Vì vậy, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Kim L về việc buộc ông N và bà C cùng có nghĩa vụ trả nợ số tiền bà C vay 30.000.000 đồng là có căn cứ, cần chấp nhận yêu cầu của bà L.
Tải về
Bản án số 05/2018/ST
Xét công sức quản lý, tôn tạo tài sản trên đất. Chia theo tỷ lệ 70% – 30%
Sơ lược nội dung: Đất đã được cấp GCNQSDĐ cho ông H, bà T1, cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của ông H về phần chia tài sản chung là có căn cứ. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm chia cho ông Nguyễn Đăng H được hưởng ½ phần giá trị tài sản chung của ông H, bà T1 là không hợp lý. Bởi vì, xét về nguồn gốc tài sản, ông H cho rằng, do ông H đưa tiền cho ông L mua nhưng ông không cung cấp được chứng cứ chứng minh mà đất là do bà T1 được ông L, bà X tặng cho có điều kiện là Phạm Thị T1 có trách nhiệm cai quản, chăm sóc phần đất còn lại của bà X. Mặt khác, việc tôn tạo, chăm sóc và quản lý tài sản thì năm 2017, ông H bỏ đi, bà T1 một mình chăm sóc, tôn tạo và quản lý các tài sản trên đất. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần chia cho bà T1 được hưởng 70% và ông H được hưởng 30% giá trị tài sản chung của vợ chồng là phù hợp.
Tải về
Bản án số 11/2019/PT
Đất thuộc sở hữu riêng của chồng, vợ được hưởng 30% công sức đóng góp
Sơ lược nội dung: Đối với diện tích đất 11.007 m2 thuộc thửa số: 285 tờ bản đồ số 5 và tài sản trên đất có tổng giá trị là 703.973.000 đồng. Tòa cấp sơ thẩm xác định đây là tài sản riêng của ông M nhưng khi quyết định lại tuyên giao tài sản này cho ông M đồng thời buộc ông M phải chịu án phí là không cần thiết, không đúng quy định pháp luật về án phí ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của ông M. Do vậy, cần sửa án sơ thẩm về phần này. Xét công sức đóng góp của bà H đối với khối tài sản có tổng giá trị là 703.973.000 đồng, thấy rằng: Bà H và ông M sống chung với nhau từ năm 2000, cùng nhau đầu tư, canh tác làm tăng giá trị đất nên khi giải quyết không công nhận quan hệ vợ chồng cần xét công sức đóng góp của bà H. Tòa cấp sơ thẩm buộc ông M phải hoàn trả cho bà H 30% công sức đóng góp trên trên tổng giá trị tài sản là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.
Tải về
Bản án số 04/2018/PT
Luật sư Phạm Ngọc Hải tổng hợp
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com
Website: amilawfirm.com