Chỉ còn ít ngày nữa là kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư đợt 1 năm 2019 chính thức bắt đầu. Ami Law Firm tổng hợp các kiến thức, kinh nghiệm từ những người đã thi tập sự trước để mọi người cùng tham khảo để tránh mắc phải các lỗi ngoài ý muốn ảnh hưởng đến kết quả thi.
A. MÔN KỸ NĂNG HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
1. Cần chia thời gian hợp lý giữa phần chung và phần tự chọn do nhiều thí sinh tập trung quá nhiều vào phần chung (câu 1) dẫn đến không đủ thời gian làm phần tự chọn (câu 2).
2. Đối với phần tự chọn thường có 01 câu về dân sự và 01 câu về hình sự để lựa chọn. Thí sinh chỉ nên chọn 01 câu và tập trung làm câu mình đã chọn và tránh trường hợp “đứng núi này trông núi nọ” sẽ làm mất thời gian trong khi chỉ được làm 01 câu trong phần này.
3. Về tài liệu chuẩn bị, vì đây là đề mở nên cần chuẩn bị đầy đủ nhất có thể. Tối thiểu là các Luật, bộ luật thông dụng. Đối với các Nghị định, Thông tư, Nghị Quyết… thí sinh nên chọn lọc để mang theo vì nhiều đề thi qua các năm nếu chỉ dùng luật thì không thể giải quyết triệt để các vấn đề.
4. Nếu số lượng tài liệu nhiều, cần có mục lục để tiện tra cứu trong thời gian thi để tiết kiệm thời gian. Về nội dung của các văn bản pháp luật, người tập sự cũng cần nắm sơ qua để chủ động trong quá trình làm bài, tránh trường hợp có chuẩn bị tài liệu nhưng không biết sử dụng.
5. Về nội dung, tránh trình bày dài dòng sẽ mất rất nhiều thời gian, cần trình bày ngắn gọn, rành mạch, đi thẳng vào nội dung chính và tập trung kiểm soát các ý chính.
B. MÔN ĐẠO ĐỨC HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
1. Đối với phần trắc nghiệm không chỉ học Quy tắc đạo đức mà còn cần học nội dung tổng hợp trong Luật luật sư và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, Điều lệ Đoàn Luật sư Việt Nam, các Quy chế của Đoàn Luật sư Việt Nam, các vấn đề khác liên quan (ví dụ: Có bao nhiêu Luật sư đang làm Đại biểu quốc hội, trụ sở Liên đoàn luật sư Việt Nam ở đâu? Ai là chủ nhiệm Liên đoàn luật sư Việt Nam….).
2. Đối với quy tắc đạo đức và ứng xử nghề luật sư Việt Nam cần HỌC THUỘC LÒNG bởi thông thường, câu số 02 sẽ yêu cầu nêu lại nội dung của nguyên tắc và phân tích nội dung đó. Nhiều trường hợp yêu cầu thí sinh nêu đúng chính xác nguyên tắc (23.1, 16.2…), do đó, nếu không học thuộc lòng, chỉ thuộc nội dung mà nhầm nguyên tắc thì rất có thể sẽ không làm tốt được câu này, trong khi câu này chiếm đến 3 – 4 điểm.
3. Đối với câu 3 – câu tình huống, đề bài thường yêu cầu thí sinh phân tích một tình huống cụ thể. Thí sinh nên vận dụng trên cơ sở tổng hợp nhiều quy tắc để đối chiếu, áp dụng trong tình huống đó để tránh bỏ sót. Nếu đặt trong tình huống đó, ứng xử của thí sinh cũng cần phù hợp và tránh vi phạm các quy tắc đạo đức khác.
C. HỒ SƠ THỰC HÀNH – VẤN ĐÁP
1. Đối với hồ sơ thực hành cần thể hiện tên Luật sư hướng dẫn có tham gia vụ việc. Ví dụ hồ sơ tư vấn cần có Thư tư vấn, Đơn yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý của khách hàng có thể hiện tên Luật sư… Hồ sơ tranh tụng cần có Bản án, Thông báo thụ lý, Giấy ủy quyền… có tên Luật sư.
2. Thường có 3 – 5 phút để thí sinh trình bày tóm tắt nội dung vụ việc. Phần này thí sinh có thể chuẩn bị trước để trình bày trôi chảy, “đầu xuôi đuôi lọt”.
3. Câu hỏi của Giám khảo thường xoay quanh những vấn đề, tình tiết trong hồ sơ vụ việc. Thí sinh cần dự liệu trước các câu hỏi được đặt ra xung quanh hồ sơ để trả lời được tốt nhất. Ví dụ hồ sơ về kinh doanh thương mại thì có thể hỏi về các điều khoản phạt vi phạm, lãi suất chậm trả, bồi thường thiệt hại…
4. Ngoài các câu hỏi xoay quanh hồ sơ, Giám khảo cũng có thể hỏi về các câu hỏi liên quan đến Luật luật sư, Quy tắc đạo đức hành nghề luật sư và các câu hỏi về các chủ để liên quan đến môn đạo đức hành nghề luật sự tại Phần B.
D. CÁC BÀI VIẾT KHÁC CÓ LIÊN QUAN
Tuyển tập đề thi kiểm tra tập sự hành nghề luật sư qua các năm – có đáp án
Danh mục tài liệu chuẩn bị cho kỳ thi tập sự luật sư – Dân sự & Tố tụng dân sự
Luật sư Phạm Ngọc Hải tổng hợp
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com
Website: amilawfirm.com