Tôi là chủ của một trung tâm thẩm mỹ viện tại Hà Nội, hiện nay, do muốn mở rộng quy mô, tôi muốn mở các lớp đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho các học việc học tại Trung tâm của tôi. Vậy tôi cần phải làm các thủ tục gì để được tuyển sinh, đào tạo và cấp chứng chỉ hợp pháp?
Trả lời:
Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI (thuộc Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ thuộc hình thức tổ chức cơ sở dịch vụ y tế là một trong những hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (điểm đ khoản 13 Điều 22 Nghị định 109/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 2 Điều 11 Nghị định 155/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế).
Thẩm mỹ thì người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp (điểm d khoản 3 Điều 33 Nghị định 155/2018/NĐ-CP).
Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có 2 trường hợp: Trường hợp cơ sở dịch vụ thẩm mỹ cần phải xin giấy phép hoạt động và cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần phải xin giấy phép hoạt động.
“Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt” (khoản 5 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế).
Dù là theo hình thức nào thì người thực hiện hoạt động thẩm mỹ phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp. Như vậy, ngoài các cơ sở đào tạo nghề của Nhà nước theo quy định pháp luật, các cá nhân, tổ chức muốn được đào tạo nghề, dạy nghề hợp pháp thì các tổ chức, cá nhân phải tiến hành đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các trường hợp đào tạo học nghề, cấp chứng chỉ học nghề đối với các doanh nghiệp hay cụ thể ở đây là trung tâm thẩm mỹ (không có chức năng đào tạo, dạy nghề hợp pháp) chưa tiến hành đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì các chứng chỉ đã được cấp không có giá trị sử dụng.
Doanh nghiệp phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, chương trình, giáo viên đã được cơ quan chức năng thẩm định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì mới có thể tuyển sinh, tham gia đào tạo và cấp chứng chỉ, chứng nhận cho học viên.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức theo các loại hình sau đây:
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân, do các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất;
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục nghề nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
(Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014).
Như vậy, trung tâm thẩm mỹ muốn đào tạo học viên phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với loại hình phù hợp là trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục hoặc Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sau đây là khái quát chung về Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục và Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
[1] Cơ cấu tổ chức
[1.1] Cơ cấu tổ chức của trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục:
+ Giám đốc, phó giám đốc.
+ Các phòng hoặc bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Các tổ bộ môn.
+ Các hội đồng tư vấn.
+ Các đơn vị phục vụ đào tạo; cơ sở sản xuất, dịch vụ (nếu có).
[1.2] Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài: được tự chủ về cơ cấu tổ chức.
(Theo Điều 10 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014)
[2] Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp:
– Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp là người đứng đầu trung tâm, đại diện cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp trước pháp luật, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
– Nhiệm kỳ của giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 05 năm.
Tiêu chuẩn:
+ Có phẩm chất, đạo đức tốt;
+ Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;
+ Đã qua đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý giáo dục nghề nghiệp;
+ Có đủ sức khỏe.
– Thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận, miễn nhiệm, cách chức giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp:
+ Người có thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận, không công nhận giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn theo đề nghị của những người góp vốn thành lập trung tâm hoặc tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục.
(Điều 13 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014)
[3] Điều kiện thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
[3.1] Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục
Trung tâm giáo dục nghề nghiệp được thành lập, cho phép thành lập khi có đề án thành lập và đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam. Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập khi thành lập phải hoạt động theo cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập do Chính phủ quy định.
– Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo diện tích đất sử dụng tối thiểu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.000 m2.
– Vốn đầu tư thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai tối thiểu là 05 tỷ đồng.
– Đáp ứng các điều kiện tại Điều 14 của Nghị định 143/2016/NĐ-CP).
(Điều 18 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 3 Nghị định 143/2016/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định 140/2018/NĐ-CP).
“Điều 14. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
- Đối với đào tạo trình độ sơ cấp
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo phù hợp với nghề, quy mô, trình độ đào tạo sơ cấp. Diện tích phòng học lý thuyết, phòng, xưởng thực hành dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 04 m2/chỗ học;
b) Có đủ chương trình, giáo trình đào tạo của từng nghề đăng ký hoạt động và phải được xây dựng, thẩm định, ban hành theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
c) Có đội ngũ giáo viên đạt tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm theo quy định của pháp luật; bảo đảm tỷ lệ học sinh quy đổi trên giáo viên quy đổi tối đa là 25 học sinh/giáo viên; có giáo viên cơ hữu cho nghề tổ chức đào tạo. (sửa đổi bởi điểm a khoản 6 Điều 45 Nghị định 15/2019/NĐ-CP).”
[3.2] Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
– Có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
– Đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư).
– Có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu của trung tâm giáo dục nghề nghiệp là 1.000 m2; của trường trung cấp là 10.000 m2 đối với khu vực đô thị và 20.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị; của trường cao đẳng là 20.000 m2 đối với khu vực đô thị và 40.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị.
– Vốn đầu tư thành lập bằng nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai, cụ thể như sau:
+ Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp tối thiểu là 05 (năm) tỷ đồng;
+ Đối với trường trung cấp tối thiểu là 50 (năm mươi) tỷ đồng;
+ Đối với trường cao đẳng tối thiểu là 100 (một trăm) tỷ đồng.
– Chương trình đào tạo:
+ Chương trình đào tạo dự kiến phải đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật giáo dục nghề nghiệp; không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;
+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức giảng dạy chương trình đào tạo của Việt Nam; chương trình đào tạo của nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định;
+ Các môn học bắt buộc đối với người học là công dân Việt Nam theo học các chương trình đào tạo của nước ngoài trong các trường trung cấp, trường cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
+ Có dự kiến cụ thể về cơ cấu tổ chức; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phù hợp với điều kiện đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và Nghị định này.
(Điều 9 Nghị định 15/2019/NĐ-CP)
[4] Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập;
+ Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo theo cam kết;
+ Có đủ chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định;
+ Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;
+ Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục nghề nghiệp;
+ Có điều lệ, quy chế tổ chức, hoạt động.
– Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ được tuyển sinh, tổ chức đào tạo khi đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
– Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi thay đổi các nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì phải đăng ký bổ sung với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(Điều 19 Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014)
Như vậy, trung tâm thẩm mỹ muốn được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trước tiên cần phải tiến hành xin quyết định thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau đó mới tiến hành đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
- Thứ nhất, trình tự xin quyết định thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp
[1] Thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
[1.1] Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp công lập trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp tư thục trên địa bàn.
(Khoản 1 Điều 7 Nghị định 143/2016/NĐ-CP)
[1.2] Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, phân hiệu của trường trung cấp có vốn đầu tư nước ngoài.
(khoản 2 Điều 13 Nghị định 15/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Giáo dục nghề nghiệp)
[2] Hồ sơ thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp
[2.1] Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục
– Văn bản đề nghị thành lập của cơ quan chủ quản đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; văn bản đề nghị cho phép thành lập của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
– Đề án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
– Dự thảo quy hoạch tổng thể mặt bằng các công trình kiến trúc xây dựng, bảo đảm phù hợp với ngành, nghề, quy mô, trình độ đào tạo và tiêu chuẩn diện tích sử dụng, diện tích xây dựng cho hoạt động học tập và giảng dạy;
– Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định của pháp luật và các giấy tờ pháp lý liên quan còn thời hạn ít nhất là 05 năm kể từ ngày gửi hồ sơ.
– Văn bản xác nhận khả năng tài chính để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
– Giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu về tài sản là vốn góp của cá nhân đề nghị thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục có từ 02 thành viên góp vốn trở lên, ngoài hồ sơ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, hồ sơ cần bổ sung:
+ Biên bản cử người đại diện đứng tên thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các thành viên góp vốn;
+ Danh sách trích ngang các thành viên Ban sáng lập;
+ Danh sách, hình thức và biên bản góp vốn của các thành viên cam kết góp vốn thành lập;
+ Dự kiến Hội đồng quản trị và Chủ tịch Hội đồng quản trị của trường trung cấp, trường cao đẳng.
(Theo Điều 6 Nghị định 143/2016/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 155/2018/NĐ-CP).
[2.2] Cở sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
– Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 01 bộ, bao gồm:
+ Văn bản đề nghị cho phép thành lập theo Mẫu 1A tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư);
+ Đề án thành lập theo Mẫu 1B tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc văn bản chấp thuận cho thuê đất của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định của pháp luật và các giấy tờ pháp lý liên quan còn thời hạn ít nhất là 05 năm kể từ ngày gửi hồ sơ;
+ Giấy tờ chứng minh năng lực tài chính theo mức quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định này.
– Trường hợp có từ 02 tổ chức, cá nhân nước ngoài góp vốn trở lên hoặc liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, ngoài hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ cần bổ sung gồm có:
+ Bản sao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu về tài sản kèm theo văn bản thẩm định giá về tài sản là vốn góp của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các bên liên doanh đề nghị thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
+ Biên bản cử người đại diện đứng tên thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc các bên liên doanh;
+ Danh sách, hình thức và biên bản góp vốn của các thành viên liên doanh cam kết góp vốn thành lập.
(Theo khoản 1, 2 Điều 12 Nghị định 15/2019/NĐ-CP)
[3] Trình tự, thủ tục thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
[3.1] Trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
+ Cơ quan chuyên môn giúp người có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp trước khi gửi Hội đồng thẩm định hồ sơ thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là Hội đồng thẩm định).
+ Trong thời gian 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ thì cơ quan chuyên môn giúp người có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ gửi hồ sơ tới Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định (nếu từ chối thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do).
Bước 2: Thẩm định hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
+ Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
+ Người có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng thẩm định.
Hội đồng thẩm định hồ sơ thành lập trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người được ủy quyền làm Chủ tịch và thành viên là đại diện các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, gồm: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan.
Bước 3: Quyết định thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định, cơ quan chuyên môn giúp người có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 7 Nghị định này trình người có thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục.
(Theo Điều 8 Nghị định 143/2016/NĐ-CP)
[3.2] Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Bước 1: Nộp hồ sơ đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi hồ sơ đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tới Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ
Việc thẩm định và trả kết quả giống với việc thẩm định xin thành lập trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục. Trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Hội đồng thẩm định có trách nhiệm thẩm định và thông báo kết quả thẩm định.
Bước 3: Quyết định cho phép thành lập
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cho phép thành lập đã được hoàn thiện theo kết luận của Hội đồng thẩm định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 13 Nghị định này quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Mẫu 1C tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
(Điều 14 Nghị định 15/2019/NĐ-CP)
- Thứ hai, trình tự, thủ tục đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
[1] Hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
– Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và tư thục, hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm
+ Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
+ Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục Va ban hành kèm theo Nghị định này và kèm theo các giấy tờ chứng minh.
– Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp được làm bằng tiếng Việt hoặc tiếng Việt và tiếng Anh, bao gồm:
+ Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nêu có)
+ Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục Va ban hành kèm theo Nghị định này và kèm theo các giấy tờ chứng minh;
– Đối với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bao gồm:
+ Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có);
+ Báo cáo các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục Vb ban hành kèm theo Nghị định này và kèm theo các giấy tờ chứng minh;
(Điều 15 Nghị định 143/2016/NĐ-CP)
[2] Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
(khoản 2 Điều 16 Nghị định 143/2016/NĐ-CP)
[3] Trình tự, thủ tục đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp
– Hồ sơ được gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trự sở chính của cơ sở.
– Trong thời gian 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm tra các điều kiện bảo đảm cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp không cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp thì trong thời hạn 05 ngày làm việc phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp về Tổng cục Dạy nghề để theo dõi, quản lý.
(khoản 2 Điều 17 Nghị định 143/2016/NĐ-CP)
- Thủ tục đăng ký hoạt động và thời gian hoạt động của cơ sở giáp dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
– Thủ tục, hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện giống với thủ tục, hồ sơ đăng ký hoạt động trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục.
– Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày quyết định cho phép thành lập.
– Trong trường hợp cần thiết, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thời gian hoạt động dài hơn thời hạn quy định nêu trên thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.
Công ty Luật Ami
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com
Website: amilawfirm.com