Trang chủ / Doanh nghiệp / Bán hàng hoá xách tay có vi phạm pháp luật?

Bán hàng hoá xách tay có vi phạm pháp luật?

Trước đây, tôi có đặt hàng mua mỹ phẩm ở nước ngoài nhiều nên được nhận rất nhiều ưu đãi từ các hãng mỹ phẩm lớn trên thế giới. Do tôi công việc của tôi là thường xuyên ra nước ngoài nên tôi có hay xách tay các sản phẩm mỹ phẩm về cho người thân, gia đình, bạn bè của tôi. Các sản phẩm mỹ phẩm được xách tay từ nước ngoài về Việt Nam khá rẻ so với thị trường nên hiện tại tôi đang muốn mở một shop mỹ phẩm nhỏ để kinh doanh hàng xách tay? Vậy việc kinh doanh hàng hoá xách tay của tôi có vi phạm pháp luật hay không?

 

Trả lời:

Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

 

Hàng xách tay hiện nay khá phổ biến và được ưa chuộng do giá rẻ hơn thị trường. Các mặt hàng hàng rẻ hơn so với hàng chính hãng bán trong nước bởi do cá nhân nào đó mua trực tiếp sản phẩm của công ty nước ngoài mang về Việt Nam qua đường hàng không, không phải chịu thuế, không phải làm thủ tục khai hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu theo thủ tục thông thường (khoản 2 Điều 59 Nghị định 08/2015 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan).

 

Việc kinh doanh hàng xách tay sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật nếu như hàng hoá đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo đó, hàng hóa bị xem là vi phạm pháp luật khi nhập lậu theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buốn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, cụ thể:

Hàng hóa nhập lậu” gồm:

a) Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;

c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng.”

 

Như vậy, các sản phẩm mỹ phẩm xách tay được đưa vào kinh doanh không bị xem là hàng hoá nhập lậu khi đảm bảo các điều kiện như có hoá đơn chứng từ kèm theo rõ ràng, hàng hoá có dán tem nhập khẩu…theo quy định định viện dẫn nêu trên. Do vậy, bạn cần lưu ý các điều kiện này để đảm bảo cho việc kinh doanh của mình hợp pháp và đúng quy định pháp luật

 

Việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu là một trong những hành vi vi phạm pháp luật. Việc kinh doanh hàng hoá nhập lậu tuỳ thuộc vào mức độ hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

 

Đối với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu có thể bị phạt số tiền lên đến 50 triệu đồng trong trường hợp hành hoá nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên (khoản 1 Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP). Trường hợp người vi phạm trực tiếp nhập hàng hoá thì sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt nêu trên (khoản 14 Điều 1 Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi khoản 2 Điều 17 Nghị định 185/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn phải có trách nhiệm nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.

 

Người có hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ dung theo điểm a khoản 38 Điều 1 Luật sửa Bộ luật Hình sự 2017 thì sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, cụ thể:

“Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
b) Vật phạm pháp là di vật, cổ vật.”

 

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

 

Công ty Luật Ami

Địa chỉ: Tầng 5 Tòa nhà Vĩnh Trung Plaza, 255 -257 Hùng Vương, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Website: amilawfirm.com

Bài viết liên quan

[Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?