Luật sư Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Công ty Luật Ami, thành phố Đà Nẵng, trao đổi với phóng viên “Người đưa tin” về hình thức huy động vốn lãi suất cao như sau:
“Huy động vốn, góp vốn hay hợp tác kinh doanh đều là những hình thức đã được quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật chuyên ngành có liên quan. Tuy nhiên, hiện nay tồn tại nhiều hình thức biến tướng của các hình thức này, điển hình là việc huy động, kêu gọi góp vốn với mức lãi suất cố định được chi trả hàng tháng cao, thủ tục nhanh và đơn giản, thu hút rất nhiều người tham gia. Các hình thức huy động vốn biến tướng tồn tại rất nhiều rủi ro cho người tham gia. Các mẫu Hợp đồng thường quy định điều khoản không chặt chẽ, không bảo vệ được quyền lợi của người dân tham gia.
Rủi ro lớn nhất của các hình thức biến tướng này là từ việc các đối tượng huy động vốn sử dụng số tiền vốn đã huy động vào các mục đích khác ngoài các mục đích đã được quy định trong Hợp đồng như dùng để tiêu xài cá nhân, đầu tư bất động sản, trả nợ…
Sau đó, các đối tượng này báo lại với người dân là đã làm ăn thua lỗ nên mất khả năng thanh toán, không thể trả lại tiền. Tiền đầu tư đã bị rút hết để dùng vào mục đích khác, người dân có thực hiện khởi kiện Công ty để đòi lại số tiền bị mất thì Công ty này cũng không còn khả năng thi hành án (do tài sản không còn) nên lúc này, người dân hoàn toàn mất trắng số tiền đã đầu tư.
Các hình thức huy động vốn biến tướng hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều về số lượng và quy mô, phương thức thực hiện ngày càng tinh vi hơn. Do đó, trước khi quyết định đầu tư, người dân cần nghiên cứu, xem xét kỹ.
Người dân cần xem xét phương thức tạo ra lợi nhuận, cách thức mà bên huy động vốn sử dụng số tiền đầu tư có thực chất, cụ thể, rõ ràng hay không? Có khả năng để thu về được lợi nhuận tương ứng để đủ thanh toán tiền lãi suất/lợi nhuận đã cam kết hay không? Dễ thấy nhất ở một mô hình huy động vốn biến tướng là mô hình này có sự không cân xứng giữa số tiền lợi nhuận/lãi suất cam kết và phương thức, khả năng mà mô hình này có thể tạo ra được thu nhập cao hơn số tiền đã cam kết đó.
Đối với các trường hợp huy động vốn nhưng lại chi trả lãi suất/lợi nhuận cố định thì người dân cần xem xét và cân nhắc cẩn trọng. Bởi lẽ, bản chất của việc Đầu tư, góp vốn là “lời ăn, lỗ chịu”, việc đưa ra một mức lãi suất/lợi nhuận cố định thì bản chất của quan hệ này nhiều trường hợp sẽ được xác định là quan hệ vay tài sản, không phản ánh đúng quan hệ đầu tư, góp vốn giữa các bên.
Người dân cũng cần xem xét kỹ các giấy tờ pháp lý của bên huy động vốn, xem xét trực tiếp trụ sở, địa điểm kinh doanh có thực hay không? Quy mô kinh doanh có đúng như mô tả hay không? Khi thực hiện đầu tư, góp vốn thì người dân có các giấy tờ pháp lý xác nhận tư cách của mình hay không? Ví dụ: Hình thức đầu tư góp vốn vào Doanh nghiệp thì người dân phải được đăng ký thay đổi thành viên Công ty vào Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp (đối với Công ty TNHH) hoặc được cấp Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần và ghi vào Sổ đăng ký cổ đông (đối với Công ty Cổ Phần).
Cần xem xét việc chuyển tiền góp vốn phải được thực hiện thông qua tài khoản của chính Công ty đã huy động vốn đó, hạn chế chuyển tiền cho tài khoản cá nhân, kể cả tài khoản này là của Giám đốc Công ty.
Sau cùng, người dân cần xem xét ngành nghề kinh doanh của Công ty phải phù hợp đối với mục đích huy động vốn. Nên lựa chọn các Công ty uy tín, đã có thương hiệu trên thị trường. Đồng thời, khi người dân đầu tư, góp vốn, cần tham khảo ý kiến để được rà soát lý bởi các Luật sư, chuyên gia trong ngành trước khi thực hiện.
Nguồn: Tạp chí điện tử Người đưa tin
Link truy cập: https://www.nguoiduatin.vn/can-trong-khi-dau-tu-gop-von-tai-nam-vietcapital-cam-ket-lai-suat-toi-40-nam-204240917133158546.htm
———————————————
CÔNG TY LUẬT TNHH MỘT THÀNH VIÊN AMI (AMI LAW FIRM)
– Địa chỉ: 28 Trần Quý Cáp, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
– Điện thoại: 0941.767.076
– Email: amilawfirmdn@gmail.com
– Website: https://amilawfirm.com/
– Fanpage: https://www.facebook.com/AMILawFirm