Trang chủ / Truyền thông / Vụ lão nông miền Tây báo mất 5 tờ vé số trúng độc đắc 10 tỷ đồng: Luật sư nói gì?

Vụ lão nông miền Tây báo mất 5 tờ vé số trúng độc đắc 10 tỷ đồng: Luật sư nói gì?

Liên quan đến vụ người đàn ông mất trộm vé số trúng 10 tỷ đồng ở Tiền Giang, Luật sư cho rằng cần xác minh ông Lộc có phải là chủ sở hữu hợp pháp của những tờ vé số trúng giải hay không.

 

Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra làm rõ vụ ông Trương Văn Lộc (47 tuổi, ngụ xã Mỹ Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) trình báo về việc mất trộm 5 tờ vé số trúng giải độc đắc 10 tỷ đồng.

Liên quan đến vấn đề pháp lý của vụ án, trao đổi với PV báo Đời sống & Pháp luật, Luật sư Phạm Ngọc Hải (Công ty luật AMI) cho hay, nếu ông Lộc có đủ chứng cứ để chứng minh 05 tờ vé số này ông có mua và thực sự bị mất trộm thì ông có thể được công ty sổ xố kiến thiết trả thưởng do sự kiện bị mất trộm thuộc trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, việc chứng minh là hết sức khó khăn do hiện tại ông Lộc không có căn cứ để xác định về sự tồn tại, quyền sở hữu và tính hợp pháp của 05 tờ vé số này.

 

Ông Lộc tố cáo nhóm thanh niên đã trộm 5 tờ vé số trúng thưởng 10 tỷ. Ảnh: Tri thức Trực tuyến

 

Về hành vi lợi dụng sơ hở của ông Lộc để lấy 05 tờ vé số thì cần xác định tại thời điểm đó vé số của ông Lộc đã mở thưởng hay chưa? Nếu vé đã mở thưởng và ý chí của các đối tượng trộm cắp để chiếm đoạt số tiền thưởng đó thì giá trị của 05 tờ vé số đó sẽ được căn cứ dựa trên giá trị giải thưởng (độc đắc), giá trị này sẽ là căn cứ để định khung hình phạt. Các đối tượng có dấu hiệu cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo Khoản 4 Điều 173 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 

Trường hợp vé số chưa mở thưởng nhưng sau này mới phát sinh sự kiện vé trúng thưởng và các đối tượng vẫn chiếm giữ và không trả lại cho chủ sở hữu thì có dấu hiệu cấu thành tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Khoản 2 Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

Đồng quan điểm, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay, trước hết cần xác minh, làm rõ ông Lộc có phải là chủ sở hữu hợp pháp của tờ vé số độc đắc đó hay không. Trong trường hợp không có căn cứ thể hiện ông Lộc là người mua, người sở hữu hợp pháp tờ vé số đó thì không có căn cứ để giải quyết quyền lợi của ông Lộc đối với các tờ vé số này.

 

Tuy nhiên, nếu có đầy đủ căn cứ xác định ông Lộc đã mua và sở hữu tờ vé số trúng giải độc đắc 10 tỷ đó thì cần làm rõ về việc chiếm giữ tài sản của nhóm thanh niên.

 

Cụ thể, cơ quan điều tra cần làm rõ ý chí, mục đích cũng như hành vi của nhóm người này. Theo đó, nếu nhóm người này có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản như lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của chủ sở hữu, người quản lý tài sản hoặc lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản không biết, sau đó chiếm đoạt tài sản thì hành vi này có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự.

 

Theo quy định của tội này thì người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

Trong trường hợp thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 12 đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự.

 

​Nếu trong trường hợp không đủ căn cứ chứng minh nhóm người này có hành vi lén lút trộm cắp tờ vé số mà do nhầm lẫn hoặc nhặt được tờ vé số, nhưng có căn cứ cho thấy nhóm người này cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu thì hành vi này sẽ có dấu hiệu của tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự.

 

Theo quy định của tội danh này thì người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

 

Trong trường hợp chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm theo quy định tại khoản 2 Điều 176.

 

​Ngoài chịu trách nhiệm hình sự thì nhóm người này buộc phải trả lại tài sản đã chiếm giữ cho chủ sở hữu và bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu nếu có.

 

Hoàng Yên

 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vu-lao-nong-mien-tay-bao-mat-5-to-ve-so-trung-doc-dac-10-ty-dong-luat-su-noi-gi-a315824.html

 

CÔNG TY LUẬT AMI

Địa chỉ: 50 Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

 

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?