Trang chủ / Doanh nghiệp / Các tranh chấp lao động nào bắt buộc phải hoà giải trước khi khởi kiện ra Toà?

Các tranh chấp lao động nào bắt buộc phải hoà giải trước khi khởi kiện ra Toà?

Thời gian vừa qua Công ty tôi có vụ việc nhân viên của Công ty đã vi phạm thoả thuận đào tạo và bảo mật thông tin đã ký kết trong Hợp đồng lao động với Công ty, hiện nay nhân viên đó đã nghỉ việc, làm cho Công ty tôi bị thiệt hại một số tiền không nhỏ. Công ty tôi có tiến hành khởi kiện nhân viên này ra Toà nhưng Toà án có yêu cầu chúng tôi phải tiến hành phải làm thủ tục hoà giải tại cơ sở trước khi khởi kiện ra Toà. Cho tôi được hỏi là cán bộ Toà án hướng dẫn như vậy có đúng hay không?

 

Trả lời:

Lời đầu tiên, Công ty luật AMI xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:

 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

  1. Hoà giải viên lao động.
  2. Hội đồng trọng tài lao động.
  3. Toà án nhân dân.

(Điều 187 Bộ luật Lao động năm 2019)

 

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành và một số văn bản hướng dẫn có liên quan thì một số tranh chấp liên quan đến lao động buộc phải quyết thông qua thủ tục hoà giải của hoà giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Toà án giải quyết.

 

Tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Các loại tranh chấp lao động gồm:

– Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;

– Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.

 

Tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động có quy định về trình tự, thủ tục hoà giải tranh chấp lao động cá nhân của hoà giải viên lao động như sau:

Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hoà giải của hoà giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Toà án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hoà giải:

– Xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

– Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

– Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

– Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

– Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

– Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

 

Đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp tập thể về lợi ích theo theo quy định tại khoản 2 Điều 191 và khoản 2 Điều 195 Bộ luật lao động quy định thì đều phải được giải quyết thông qua thủ tục hoà giải của hoà giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết /hoặc Toà án giải quyết /hoặc tiến hành thủ tục đình công.

 

Như vậy, trường hợp của bạn không phải thuộc các trường hợp ngoại trừ nêu trên nên phải thực hiện thủ tục hoà giải tại cơ sở trước khi tiến hành khởi kiện ra Toà.

 

Về trình tự, thủ tục hoà giải tranh chấp lao động cá nhân của hoà giải viên lao động được thực hiện như sau:

– Thẩm quyền: Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Uỷ bản nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.

(khoản 2 Điều 181 Bộ luật Lao động 2019)

 

– Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoà giải viên nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 Bộ luật lao động, hoà giải viên lao động phải kết thúc việc hoà giải.

 

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân: Thời hiệu yêu cầu hoà giải viên lao động thực hiện hoà giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (khoản 1 Điều 190 Bộ luật Lao động 2019).

 

Trên đây là nội dung tư vấn được thực hiện bởi đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tại Công ty luật AMI. Trường hợp có vướng mắc về pháp lý cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.

 

CÔNG TY LUẬT AMI

Địa chỉ: 50 Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Số điện thoại: 0941 767 076

Email: amilawfirmdn@gmail.com

Bài viết liên quan

Foxit PDF Editor Full Crack | Hướng Dẫn Tải Và Kích Hoạt Miễn Phí 2024 Hướng dẫn chi tiết Tải và Cài Đặt ProShow Producer 9 Full Crack dễ dàng & An Toàn [Bật mí]: làm web tại thủ đô Hà Nội ở đâu đáng tin tưởng nhất?