Trang chủ / Truyền thông / Mức án nào dành cho cựu thiếu úy công an tạt axit vợ sắp cưới?

Mức án nào dành cho cựu thiếu úy công an tạt axit vợ sắp cưới?

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc Nguyễn Trương Nam Hải (24 tuổi), Thiếu úy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an TP Đà Nẵng, đã bị tước quân tịch, cho ra khỏi ngành vì có hành vi tạt axit vợ sắp cưới là chị Lê Thị Lan V. (24 tuổi, ngụ quận Thanh Khê).

Điều nhiều người quan tâm là với hành vi này, Hải sẽ phải chịu sự trừng phạt nào của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Châu Việt Vương, công ty Ami Law Firm, TP Đà Nẵng cho biết, theo một số nguồn thông tin của báo chí, kết luận giám định của Cơ quan có thẩm quyền thì tỉ lệ thương tật của chị V. là 46%. Việc dùng axit để hãm hại người khác là một hành vi tàn độc, vô nhân tính, dã man và gây nguy hiểm cho xã hội.

Về hành vi phạm tội này, Hải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017 với mức phạt từ 5 đến 10 năm tù, tuỳ vào tính chất, mức độ và hậu quả.

Luật sư phân tích, trong vụ án này, có thể thấy, Hải đã có sự chuẩn bị can axit từ trước để chờ thời cơ thực hiện hành vi phạm tội của mình. Công việc của Hải trước đây nguyên là Công an TP Đà Nẵng với chức năng bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm nhưng hành vi của Hải lại đi ngược với trách nhiệm của mình.

Mặc dù Hải là công an, nhưng lại thực hiện hành vi phạm tội, nó không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với Hải. Tuy nhiên, hành vi này của Hải sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định riêng của ngành.

Luật sư Vương cũng cho rằng, cần xem xét đến mục đích của người phạm tội trong trường hợp này, bởi nếu như người phạm tội dùng axit số lượng lớn, nồng độ cao, tạt vào những điểm trọng yếu trên cơ thể và thực hiện hành vi phạm tội một cách quyết liệt, cố tình muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân thì có thể sẽ bị xử lý về tội Giết người theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít trường hợp tạt axit mà người phạm tội bị xử lý tội này bởi lẽ thông thường người phạm tội chỉ với mục đích huỷ hoại dung nhan của nạn nhân chứ không mong muốn tước đoạt mạng sống của người khác.

Dù ở mức độ nào thì hành vi tạt axit vào người khác cũng rất dã man, có tính chất tàn bạo và để lại hậu quả không lường cho nạn nhân, nhất là về tinh thần, đồng thời cũng có thể gây cho nạn nhân rơi vào tình trạng trầm cảm nặng, có suy nghĩ tự sát, do đó, cần có khung hình phạt nghiêm khắc, quyết liệt hơn đối với tội danh này.

“Có thể thấy những vụ án liên quan đến việc dùng axit tạt vào người khác thời gian gần đây diễn ra ngày càng nhiều trong cuộc sống do việc mua bán các hoá chất độc hại này hiện nay còn quá lỏng lẻo. Với mức độ nghiêm trọng của hành vi tạt axit, các Cơ quan chức năng cần thiết phải siết chặt công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh hóa chất độc hại như axít, để hạn chế tối đa thiệt hại cho xã hội”, nữ luật sư trăn trở.

Theo đó kết quả điều tra, Hải và chị V. có quan hệ yêu đương, đã tổ chức đám hỏi, đăng ký kết hôn. Sau đó, Hải ghen tuông vì cho rằng, chị V. có quan hệ tình cảm với người đàn ông khác. Vì vậy, chị V. nhiều lần yêu cầu chấm dứt tình cảm nhưng Hải không đồng ý.

Ngày 31/12/2018, bực tức vì vợ sắp cưới nhiều lần đòi chia tay, Hải lên kế hoạch tạt axit. Ngay sau đó, Hải đến cửa hàng mua axit. Do cửa hàng không bán axit lẻ nên Hải mua một can loại 30 lít rồi mang về nhà ngoại, gần nhà nạn nhân, để cất giấu.

Tiếp đó, Hải hẹn sáng 1/1 sẽ cùng cha mẹ sang nhà chị V. để nói chuyện về tình cảm của 2 người. Cùng ngày, Hải chiết axit từ can 30 lít sang chai đựng nước loại 750ml nhằm thực hiện ý định của mình.

Khoảng 10h ngày 1/1, Hải giấu bình axit trong người rồi đến nhà chị V.. Cha mẹ của chị V. gọi con gái từ trên lầu xuống nhà dưới để tiếp chuyện. Chị V. vừa bước xuống cầu thang thì Hải liền lôi bình axit ra tạt lên người nạn nhân. Cha mẹ của chị V. đứng gần đó cũng bị dính axit.

Gia đình chị V. hô hoán, kêu cứu. Hàng xóm nghe thấy liền chạy sang bắt giữ Hải và trình báo cơ quan chức năng. Riêng chị V. được đưa đến bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.

Ngay lúc này, cơ quan công an đến hiện trường, bắt Hải, sau đó chuyển sang tạm giữ. Ngày 9/1, Công an quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với Hải để điều tra hành vi Cố ý gây thương tích.

Chị V. được giám định thương tật 2 lần. Lần thứ nhất, trung tâm Pháp y TP.Đà Nẵng xác định, chị V. bị 19%. Do thương tích phức tạp, chị V. được chuyển đến viện Bỏng quốc gia. Tại đây, Công an quận Thanh Khê đã trưng cầu giám định lần 2, viện Pháp y Trung ương thực hiện và kết quả là chị V. bị thương tật 46%.

Liên quan đến việc cơ quan công an chậm hoàn tất hồ sơ vụ án, đại diện đơn vị này cho biết, do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là vì nạn nhân 2 lần được giám định pháp y với kết quả thương tích khác nhau và Hải đang công tác trong ngành công an nên phải chờ thủ tục tước quân tịch thì mới hoàn tất được thủ tục, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/muc-an-nao-danh-cho-cuu-thieu-uy-cong-an-tat-axit-vo-sap-cuoi-a436022.html?fbclid=IwAR0WY-WtVn92vEglehuQcR50oxIZyU8-mjRIfrDKVZOyrUpvo_3ggn7j7z8

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online