Trang chủ / Tin tức / Hiểu thế nào về “vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu” ?

Hiểu thế nào về “vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu” ?

NGUYỄN HỮU TUYẾN ( TAND tỉnh Quảng Bình) – Lâu nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Vậy hiểu thế nào là vượt quá yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu?

 

Nhiều ý kiến cho rằng vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu là khi người khởi kiện yêu cầu thêm, “lớn hơn”, “rộng hơn” , “nhiều hơn” so với yêu cầu khởi kiện cụ thể từ ban đầu, từ đó HĐXX không chấp nhận theo yêu cầu khởi kiện của họ mặc dù có căn cứ về mặt nội dung.

 

Ví dụ 1: A khởi kiện B cho rằng B lấn chiếm của A 20m2 đất, trong quá trình giải quyết vụ án, A cho rằng B lấn chiếm diện tích lớn hơn nên thay đổi yêu cầu khởi kiện, đòi B phải trả lại diện tích 25m2. Một số Hội đồng xét xử cho rằng A đã vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nên không chấp nhận. Vì có căn cứ khẳng định B lấn chiếm đất của A nên Hội đồng xét xử chỉ tuyên trả cho A 20m2.

 

Ví dụ 2: C khởi kiện D trả nợ tiền đã vay trước đó với yêu cầu trả lại số tiền gốc 200 triệu đồng, trong quá trình giải quyết, C yêu cầu tính thêm lãi chậm trả  theo quy định của BLDS, Hội đồng xét xử cho rằng yêu cầu của C vượt quá phạm vi khởi kiện nên mặc dù có căn cứ xác định D vay A 200 triệu đồng và không trả lãi cho đến ngày khởi kiện nhưng vẫn không chấp nhận yêu cầu tính lãi của C.

 

Vậy hiểu thế nào là vượt quá yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu?

BLTTDS 2015 tại khoản 1 Điều 244 quy định: Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi  yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu.

Về mặt ngữ nghĩa, nếu hiểu vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện như các ví dụ trên thì sẽ không thể có trường hợp bổ sung yêu cầu khởi kiện mà vẫn trong phạm vi yêu cầu khởi kiện.

 

Về quy định của BLTTDS, tại khoản 1 Điều 188 BLTTDS quy định về phạm vi khởi kiện: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể khởi kiện một hoặc nhiều  cơ quan, tổ chức, cá nhân khác về một quan hệ pháp luật hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau để giải quyết trong cùng một vụ án. Có nghĩa là nguyên đơn có quyền khởi kiện trong cùng vụ án với nhiều quan hệ pháp luật khác nhau có liên quan, ví dụ: A khởi kiện B đòi  lại nhà cho ở nhờ đồng thời yêu cầu bồi thường do làm hư hỏng nhà, ở đây trong cùng một vụ kiện có  yêu cầu khởi kiện là hai quan hệ pháp luật có liên quan với nhau, một là yêu cầu đòi lại nhà cho ở nhờ và hai là đòi bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng nhà. Như vậy, yêu cầu khởi kiện ban đầu theo quy định tại Điều 244 BLTTDS được hiểu là yêu cầu khởi kiện ban đầu gồm một hoặc nhiều quan hệ pháp luật có liên quan với nhau.

 

Vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập phải thuộc trường hợp bổ sung thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết và việc bổ sung, thay đổi đó được thực hiện tại phiên tòa. (Trong quá trình giải quyết vụ án nếu họ bổ sung thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết thì Thẩm phán vẫn thụ lý giải quyết và tùy từng trường hợp mà thu tạm ứng án phí). Việc BLTTDS quy định không cho phép đương sự bổ sung yêu cầu khởi kiện mà vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu là vì các vụ án đều có thời hạn giải quyết, nếu tại phiên tòa đương sự bổ sung thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết thì HĐXX không thể thu thập, xác minh thêm chứng cứ cho việc giải quyết quan hệ pháp luật mới yêu cầu, kể cả việc phải giám định, thẩm định, định giá, hòa giải… Trong trường hợp này, HĐXX không chấp nhận giải quyết quan hệ pháp luật mới yêu cầu nhưng đương sự có quyền khởi kiện vụ án khác để yêu cầu giải quyết quan hệ pháp luật đó.

 

Quay trở lại hai ví dụ ban đầu, nếu theo quan điểm của các HĐXX như trên thì sẽ xảy ra vấn đề: Nếu B thực sự đang lấn chiếm của A 25m2 nhưng vì ban đầu A chỉ khởi kiện đòi 20m2 nên Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận 20m2 thì hoặc là A bị thiệt hại quyền đối với 5m2 còn lại hoặc là A phải tiếp tục khởi kiện vụ án khác để đòi thêm 5m2 ? Và nếu HĐXX không chấp nhận yêu cầu tính lãi của C thì C sẽ bị thiệt hại về số tiền lãi lẽ ra có được theo quy định của BLDS.

 

Với cách hiểu của tác giả thì nếu A khởi kiện B đòi lại 20m2, sau đó A thay đổi  yêu cầu đòi lại 25m2 đồng thời đòi bồi thường thiệt hại do thời gian B lấn chiếm đất nên A không canh tác được, trường hợp này A đang thay đổi yêu cầu khởi kiện đòi 25m2 thay vì 20m2 như ban đầu mà vẫn trong phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu, còn yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do thời gian B lấn chiếm đất được coi là yêu cầu vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Ở ví dụ 2 thì C yêu cầu tính lãi chậm trả đối với khoản tiền vay là vẫn cùng một quan hệ pháp luật đang giải quyết và đây thuộc trường hợp bổ sung yêu cầu khởi kiện và vẫn thuộc phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu.

 

Như vậy, vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập là trường hợp tại phiên tòa, đương sự thay đổi, bổ sung thêm quan hệ pháp luật cần giải quyết mà vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố,  yêu cầu độc lập ban đầu.

 

Trên đây là quan điểm của tác giả về trường hợp vượt quá yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập ban đầu. Mong nhận được sự phản hồi, trao đổi của các đồng nghiệp.

Nguồn: Tạp chí Toà án

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online