Hộ khẩu tôi ở Thanh Hoá, hiện nay, tôi đã chuyển ra Hà Nội sinh sống và làm việc đến nay đã là 02 tháng. Tôi hiện nay đang ở trọ cùng với bạn tôi, chúng tôi có ký hợp đồng thuê nhà. Vài ngày trước, có vài anh Công an tới kiểm tra phòng trọ tôi lúc 11h đêm và hỏi tôi đã đăng ký tạm trú chưa? Tôi có bảo chủ nhà thực hiện việc đăng ký chứ tôi không biết và tôi chỉ là người đi thuê trọ. Nhưng Công an bảo việc đăng ký là trách nhiệm của tôi và đã tiến hành xử phạt hành chính tôi và chủ trọ.
Cho tôi được hỏi là việc Công an kiểm tra vào lúc đêm khuya có đúng quy định pháp luật không? Tôi đã ở đến nay đã được 02 tháng mà chủ trọ vẫn chưa đăng ký tạm trú cho tôi như vậy có đúng quy định pháp luật hay không? Việc công an xử phạt tôi có đúng quy định pháp luật? Đồng thời, cho tôi được hỏi thêm là nếu tôi đăng ký thì đăng ký như thế nào, tôi có nghe nói về sổ KT1, KT2, KT3 gì đó nhưng tôi không hiểu lắm?
Trả lời:
Lời đầu tiên, Công ty Luật AMI (thuộc Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) xin được gửi đến bạn lời chào trân trọng, dựa theo yêu cầu cần tư vấn của bạn, chúng tôi có trả lời như sau:
Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn hoặc dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú (Điều 1 Luật Cư trú năm 2006). Công dân có quyền tự do cư trú, tuy nhiên, việc cá nhân đi khỏi nơi thường trú để sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một nơi khác thì phải có trách nhiệm đăng ký tạm trú tại địa phương đó.
Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ qua nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ (khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú năm 2006).
Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là hai mươi bốn tháng. (khoản 1 Điều 17 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 04 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú).
Trước đây, người dân thường sử dụng thuật ngữ KT1, KT2, KT3, KT4 là những thuật ngữ thường gọi để chỉ nơi thường trú, nơi tạm trú của công dân.
Trong khi đó, các ký hiệu “KT” trong KT1 hay KT2… bắt nguồn từ tên các mẫu trong bộ mẫu các giấy tờ về quản lý cư trú do Bộ Công an ban hành và sử dụng từ trước khi Luật Cư trú ra đời.
KT1 (Nơi đăng ký thường trú trong Sổ hộ khẩu); KT2 (Sổ tạm trú dài hạn cấp cho công dân có hộ khẩu thường trú ở quận, huyện nhưng tạm trú ở quận, huyện khác trong phạm vi cùng tỉnh); KT3 (Sổ tạm trú dài hạn cấp cho công dân ở tỉnh khác đến tạm trú, có thời hạn tạm trú từ 6 tháng – tối đa 24 tháng); KT4 (Sổ tạm trú ngắn hạn cấp cho công dân là người đến du lịch, đi chơi, thăm viếng trong thời gian ngắn dưới 6 tháng).
Tuy nhiên, kể từ thời điểm Luật Cư trú năm 2006 ra đời thì chỉ còn sử dụng thuật ngữ là Sổ tạm trú; Sổ tạm trú cấp cho người đăng ký tạm trú, thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá 24 tháng. Hết thời hạn nếu vẫn tiếp tục tạm trú sẽ được gia hạn.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Cư trú năm 2006 có quy định thì: “Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn”.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì những người thuê trọ phải có nghĩa vụ đăng ký tạm trú theo quy định nêu trên chứ không nhất thiết phải là chủ cho thuê trọ thực hiện công việc này. Trường hợp cả hai bên, người thuê và người cho thuê đều không thực hiện việc đăng ký tạm trú cho người đến lưu trú thì cả người cho thuê trọ và người đi thuê trọ điều bị xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 8 Nghị định 168/2013/NĐ-CP). Đối với người cho thuê trọ sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng về việc Cơ sở kinh doanh lưu trú không thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan công an theo quy định khi có người đến lưu trú (theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Do vậy, việc ai có nghĩa vụ thực hiện việc đăng ký tạm trú đó là thoả thuận giữa bạn và người cho thuê nhà. Tuy nhiên, nếu không có thoả thuận và không ai thực hiện việc đăng ký tạm trú thì cả hai đều sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định nêu trên.
Đồng thời, Theo khoản 1, khoản 4 Điều 26 Thông tư 35/2014/TT-BCA quy định về việc kiểm tra cư trú như sau:
“1. Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự
…
- Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.”
Như vậy, Công an được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra về cư trú bất cứ lúc nào, việc Công an kiểm tra lúc 11h đêm thì hoàn toàn được cho phép. Trường hợp bạn đã di chuyển nơi cư trú nhưng không thực hiện việc đăng ký tạm trú sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật nêu trên. Do vậy, bạn cần phải thực hiện việc đăng ký tạm trú không chỉ để để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ của công dân mà còn để bạn có thể thực hiện một số thủ tục như mua nhà, đăng ký cho con đi học…. Không chỉ vậy, việc đăng ký còn có ý nghĩa với cơ quan Nhà nước, giúp nhà nước quản lý công dân, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Thủ tục đăng ký tạm trú đăng ký tạm trú:
Hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.
Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú.
(Theo Điều 16 Thông tư 35/2014/TT-BCA)
Thời hạn cấp Sổ tạm trú: Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ (khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013).
Cơ quan có thẩm quyền: Công an xã, phường, thị trấn nơi tạm trú.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến thắc mắc của bạn. Trường hợp cần hỗ trợ, bạn vui lòng liên hệ để được giải đáp.
Công ty Luật Ami
Số điện thoại: 0941 767 076
Email: amilawfirmdn@gmail.com
Website: amilawfirm.com